Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024 | 12:15

Phát triển bền vững cây ăn quả: Đâu là giải pháp ưu tiên?

Theo PGS.TS. Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, để phát triển bền vững cây ăn quả, các địa phương cần rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp hành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả. Bám sát tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất phù hợp…

Thu hoạch cam tại Tân Lạc, Hoà Bình.

 

Nhiều tiềm năng

Trái cây của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc… Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. Năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc có 1.269,4 ngàn hecta, sản lượng đạt 13.887,3 ngàn tấn; ĐBSCL là vùng có diện tích lớn nhất cả nước (chiếm 31,8%), tiếp đến là vùng Trung du miền núi phía Bắc (chiếm 21,4%). Chủng loại cây ăn quả đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích).

Hiện, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia, Newzealand. Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt trên 6,5 tỷ USD.

Một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam là Trung Quốc, ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Tại các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào. Một số vùng đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả lớn như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương); nhãn Hưng Yên; nhãn, xoài (Sơn La); cam Cao Phong (Hòa Bình); bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ); na (Lạng Sơn và Quảng Ninh); cam Vinh (Nghệ An); bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)…

Riêng Hòa Bình có 16.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh… (hơn 10.000ha); 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối; ngoài ra còn có xoài, thanh long...

Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình đã cấp 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…

Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hiện nay, Hòa Bình và nhiều tỉnh trồng cây ăn quả phía Bắc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như: tình trạng suy thoái cây có múi; cùng với đó, trái cây tại các tỉnh phía Bắc chủ yếu tiêu thụ tươi do khâu bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế… làm giá trị sản xuất chưa đạt như kỳ vọng.

TS. Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình), cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi suy thoái ở địa phương, đó là: phát triển không nằm trong quy hoạch; nhiễm dịch hại nguy hiểm (vàng lá thối rễ, greening, tuyến trùng, rệp sáp...); lạm dụng thuốc, phân bón hóa học khiến đất chai cứng; thiếu kiến thức canh tác bền vững; quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ.

Theo ông Yến, việc thiếu kiến thức và nghiên cứu chưa đầy đủ về cây có múi dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. “Nhiều nông dân khi mới thấy cây có hiện tượng vàng lá thối rễ đã vội vã chặt bỏ. Trong canh tác, các tiêu chuẩn kỹ thuật được khuyến cáo kỹ song người dân đôi khi không tuân thủ, cũng là nguyên nhân khiến suy thoái cây có múi”, TS. Nguyễn Hồng Yến nói.

Ngoài ra, một số rào cản cũng được các chuyên gia chỉ ra, như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn trong áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn chưa được quan tâm đầu tư…

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ. Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới trên 20%.

Mô hình cam hữu cơ  tại Tân Lạc, Hòa Bình.

 

Tập trung những giải pháp ưu tiên

Để phát triển bền vững cây ăn quả, PGS.TS. Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp hành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả. Bám sát tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất phù hợp.

Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. “Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm”, PGS.TS. Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

“Cùng với đó, phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu” -  ông Doanh lưu ý -  Đồng thời quan tâm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Cũng liên quan đến vấn đề giống, GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, cây giống đưa vào sản xuất cần có lý lịch rõ ràng, được cung cấp bởi các tổ chức có đủ điều kiện cả về pháp lý và chuyên môn, được Nhà nước công nhận và cấp phép, nếu là giống nhập nội phải qua kiểm dịch. 

Đối với tình trạng đất bị suy thoái do canh tác lâu năm, các chuyên gia nhận định, thời gian tới, nông dân cần thay thế phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ. Việc bón phân hữu cơ cho cây, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất, còn duy trì cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật, làm đất tơi xốp, giúp rễ cây hút dinh dưỡng tốt hơn. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, các cơ quan, ban ngành, các địa phương cần hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và ATTP.

Đồng thời, các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất; tích cực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học đối với đất trồng cây nông - lâm nghiệp.

Trên thực tế, bảo quản nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Để tối ưu năng suất nông sản thì đầu tư vào hệ thống kho lạnh cần được doanh nghiệp, HTX xem là ưu tiên hàng đầu.

Do vậy, Nhà nước cần có quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh…). Cùng với đó, cần hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top