Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024 | 14:46

Thu nhập cao từ na trái vụ

Nhờ sự cần mẫn và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bà Lùng Thị Thủy, dân tộc Phù Lá, ở thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên (Bảo Thắng - Lào Cai) đã xây dựng vườn na của mình thành mô hình kinh tế hiệu quả. Từ trồng na chính vụ đến phát triển thêm na trái vụ, gia đình bà có thu nhập ổn định và bền vững trên mảnh đất khó ở vùng cao.

Đột phá với mô hình na trái vụ

Với đất đai phù hợp và khí hậu thuận lợi, gia đình bà Thủy bắt đầu trồng na từ nhiều năm trước. Hiện tại, vườn nhà bà có 1.200 cây na dai 2-10 năm tuổi, trong đó khoảng 700 cây đang cho thu hoạch.

Bà Thủy chia sẻ: “Chăm sóc tốt, cây na 2,5 năm tuổi đã có thể cho thu trái. Tuy nhiên, nhà tôi luôn đợi đến năm thứ ba mới thu quả để đảm bảo cây phát triển ổn định và quả đạt chất lượng tốt nhất”.

Mùa na chính vụ của gia đình bà Thủy bắt đầu từ cuối tháng 6 âm lịch, kéo dài khoảng 20 ngày. Năm nay, sản lượng quả đạt khoảng 2,5 tấn, với giá bán 30.000-50.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và chất lượng quả.  

Để cây na cho giá trị kinh tế cao, bà Lùng Thị Thủy chăm chỉ học hỏi từ các chương trình đào tạo nông nghiệp và khuyến nông.

Áp dụng kỹ thuật cho na ra trái vụ từ năm 2018 là bước đột phá quan trọng, giúp gia đình bà vừa nâng cao sản lượng, vừa tạo thêm nguồn thu nhập ổn định. Sau khi thu hoạch vụ chính, bà bắt tay vào tỉa cành và thụ phấn cho cây, nhờ đó giúp cây ra hoa và cho quả trái vụ. Quá trình này được thực hiện kỹ lưỡng từ đầu tháng 5 âm lịch, khi cây đang trong giai đoạn nghỉ ngơi. Chế độ chăm sóc đặc biệt cho na trái vụ là việc kết hợp phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Thêm vào đó, bà Thủy cũng chủ động khắc phục điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cao bằng cách bơm nước tưới cho cây trong mùa khô hạn. Nhờ vào sự tỉ mỉ trong chăm sóc, sản lượng na trái vụ của gia đình bà đạt khoảng 2,5 tấn mỗi năm, và điều đặc biệt là, giá bán na trái vụ luôn cao hơn so với mùa chính vụ  20.000 - 30.000 đồng/kg.

Na của gia đình bà Thủy chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái và bán trực tuyến. Với chất lượng đảm bảo, na trái vụ luôn được thị trường đón nhận, thậm chí sản lượng hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.  Gia đình bà dự định mở rộng diện tích trồng na, nâng cao sản lượng na trái vụ. Bà Thuỷ cho biết: “Na trái vụ không thay thế na chính vụ mà là cách làm thêm sau khi vụ chính kết thúc. Đây là cách để chúng tôi tối ưu hóa nguồn thu từ cây trồng”.  

Phát triển mô hình trồng na bền vững

Trồng na trái vụ không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thời tiết. Bà Thủy chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với cho na ra quả trái vụ chính là kỹ thuật tỉa cành và thụ phấn. Để thành công với na trái vụ, phải hiểu rõ cách tỉa cành đúng cách và biết chính xác thời điểm thụ phấn cho hoa. Điều này không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn cần kiên nhẫn.

Bà Lùng Thị Thủy bao trái bảo vệ quả na trước vụ thu hoạch.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bà Thủy không ngừng học hỏi từ các chương trình đào tạo nông nghiệp do khuyến nông tổ chức, nhất là các kỹ thuật chăm sóc khi cho cây na ra quả trái vụ. “Chúng tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn từ các chuyên gia nông nghiệp để cập nhật tiến bộ kỹ thuật. Việc học hỏi không chỉ giúp tôi áp dụng các biện pháp hữu ích mà còn làm giảm thiểu những rủi ro trong quá trình canh tác”, bà chia sẻ. Nhờ vào những kiến thức này, mô hình trồng na của gia đình bà Thủy ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, bà Thủy cũng tích cực tham gia vào các tổ sản xuất nông sản địa phương để cùng nhau phát triển mô hình trồng na bền vững, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng cho người dân địa phương đóng góp vào việc hình thành vùng sản xuất na. Những buổi gặp gỡ này không chỉ giúp bà học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm mà còn là dịp để bà con trong vùng hỗ trợ nhau, tạo nên một cộng đồng phát triển bền vững.

Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top