Nhiều năm qua, cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nhà vườn xã Xuân Hồng (Thọ Xuân - Thanh Hóa).
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, người nông dân nơi đây dần “quay lưng” với cây ăn quả để chuyển sang cây trồng khác, thậm chí nhiều diện tích bỏ hoang.
Vùng chuyên canh cây ăn quả “có tiếng”
Thọ Xuân hiện có khoảng 360ha cây ăn quả có múi, tập trung ở các xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Thọ Xương, Xuân Bái, Quảng Phú... Từ diện tích đất lúa kém hiệu quả, chính quyền địa phương đã định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Luận Văn, cam V2, cam Xã Đoài…
Giá cả thị trường bấp bênh, người dân không còn mận mà với cây cam, cây bưởi.
Năm 2021, huyện đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cam Xuân Thành trên địa bàn 4 xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Xuân Trường và Xuân Giang. Với việc được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể cam Xuân Thành, Nhà nước đã thực hiện bảo hộ, chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao danh tiếng, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường.
Xuân Hồng vốn nổi tiếng là vùng đất thâm canh cây ăn quả như cam, bưởi có tiếng của huyện Thọ Xuân. Thời điểm năm 2015 - 2016, xã phát triển được vùng tập trung khoảng 80ha cây ăn quả. Trong đó, có 50 ha cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn xã lên tới hơn 100ha.
Nhiều chủ trang trại đang cắt bỏ những vườn cam, bưởi của gia đình để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Theo lãnh đạo xã Xuân Hồng, từ những năm 2013 - 2014, xã Xuân Thành cũ (sau được sáp nhập thành xã Xuân Hồng) đã có chủ trương chuyển đổi hơn 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (chủ yếu cam, bưởi). Thời điểm đó, với giá bán 35.000 - 40.000 đồng/kg cam tại vườn, nhà vườn có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Nhờ trồng bưởi và cam, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, diện tích từ đó được mở rộng và phát triển mạnh.
Có nhièu diện tích cây ăn quả để đất hoang hoá, cỏ mọc xanh tốt.
Ông Nguyễn Thế Thoại, chủ trại cam, bưởi tại thôn Thành Tiến (xã Xuân Hồng), chia sẻ: Năm 2014, gia đình chuyển đổi hơn 1ha đất lúa sang trồng cây ăn quả. Thời điểm đó, vườn cây cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; trừ chi phí, gia đình thu lãi 200 - 300 triệu đồng.
Có thể thấy, ban đầu, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Xuân Hồng đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Từ vùng đất lúa kém hiệu quả trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả nổi tiếng, được nhiều người biết đến, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Thoại cũng chỉ biết đứng nhìn trang trại bưởi của gia đình mà nuối tiếc.
Người dân đang dần quay lưng
Xuân Hồng là xã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện Thọ Xuân, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân chán nản, quay lưng với cây cam, bưởi…, chuyển đổi sang các cây trồng khác, kết hợp chăn nuôi gia cầm, thậm chí nhiều diện tích để hoang hóa.
Ông Lê Chi Giang nhìn những cây bưởi của gia đình mà xót xa.
Ông Lê Chi Giang, chủ trại cam, bưởi tại thôn Lễ Nghĩa 1 (xã Xuân Hồng), cho biết, những năm đầu, khi giá cả ổn định, 1ha cam, bưởi cho thu nhập ổn định 200 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, cây bị sâu bệnh nhiều, không phù hợp với thổ nhưỡng. Mặc dù đã thay giống, cải tạo lại đất nhưng cây vẫn khó phát triển.
“Trước đây, cây cối xanh tốt, các anh vào đây làm gì thấy mặt trời. Bây giờ cây ăn quả không phát triển được, phải chặt hạ để trồng hoa màu hoặc chuyển sang nuôi gà để duy trì thu nhập cho gia đình… Nhiều hộ không chặt bỏ trồng cây khác thì để mọc cỏ hoang”, ông Giang cho biết thêm.
Không chỉ ông Giang, ông Hà Đình Kim, chủ trại cam, bưởi tại thôn Lễ Nghĩa 1, cũng chán nản chia sẻ: Với tình hình này, giá bán thấp, chi phí đầu tư tăng cao, năm nay, may mắn gia đình gỡ lại được chút tiền phân bón. Những năm trước, xe thương lái vào lấy hàng liên tục, giờ này làm gì có thời gian ngồi đây uống nước. Gia đình tôi tính thời gian tới chuyển nhượng lại vườn để nghỉ thôi.
Trang trại của gia đình ông Hà Đình Kim trước đây cho thu nhập cao, nhưng vụ này may chỉ đủ tiền phân bón
Cần tổ chức lại sản xuất
Trao đổi với với P.V Kinh tế nông thôn, ông Trịnh Vinh Hợp, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, cho biết: Mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Trước đây, có khoảng 10ha đất được chuyển đổi, nhưng nay mở rộng và phát triển lên hơn 100ha chuyên canh cây ăn quả. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, một phần do giá không ổn định, một phần do chất lượng đất ngày càng kém, cây ăn quả nơi đây không phát triển được, kèm theo chi phí đầu tư tăng cao khiến nhiều hộ phá bỏ cây ăn quả chuyển sang chăn nuôi gia cầm, một số hộ trồng cây khác.
“Trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo những khó khăn, tồn tại lên cấp trên để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ giúp người dân tiếp tục phát triển cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập”, ông Hợp cho biết thêm.
Có những trang trại để đất hoang hoá để cỏ mọc.
Hiện nay, thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quá trình tổ chức sản xuất cây ăn quả phải gắn với thị trường, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, nhất là thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Ngoài ra, với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có tại vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn xã Xuân Hồng, để người nông dân tiếp tục gắn bó với cây cam, cây bưởi, phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền huyện Thọ Xuân cũng cần có giải pháp, định hướng mới cho vùng chuyên canh cây ăn quả này phát triển theo hướng bền vững, nhằm lại lấy giá trị, thương hiệu nức tiếng một thời.