Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 10 năm 2023 | 8:0

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ở nhiều địa phương tại Nghệ An

Bệnh dịch tả lợn châu Phi ( DTLCP) đang tái phát và lây lan ở một số địa phương của tỉnh Nghệ An. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan thú y.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch tả lợn châu Phi ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp... Tuy nhiên, các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại các nông hộ nhỏ lẻ.

Xã Diễn Thái (Diễn Châu) là địa phương nhiều ngày nay xuất hiện khá nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Đinh Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngày 14/10, một hộ dân ở xóm 8 đã báo có lợn nái bị chết. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo xóm tiến hành tiêu huỷ, bởi hiện tại trên địa bàn xã đang có nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các xóm: 1,2, 3, 7, 9 và Tân Nam.

"Từ tháng 9 đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều ổ dịch, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đã tiêu huỷ 17 con lợn bị nhiễm dịch. Để phục vụ công tác phòng chống dịch, xã đã chủ động mua 45 lít hoá chất và 1 tấn vôi bột, đồng thời mở lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Toàn bộ hoá chất là vôi bột đang được phân phát cho các xóm thực hiện các giải pháp vệ sinh môi trường. Hiện nay, tổng đàn lợn của địa phương còn hơn 400 con", bà Đinh Thị Trang cho hay.

Thời gian qua, Nghệ An xuất hiện khá nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu, đến ngày 13/10, toàn huyện có 78 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn 14 xã tái phát dịch này, tổng số lợn phải tiêu huỷ 175 con. Hiện tại, vẫn còn 4 xã đang xảy ra dịch là Diễn Thái, Diễn Nguyên, Minh Châu và Diễn Lợi.

Yên Thành là địa phương cũng đang có dịch tả lợn châu Phi tái phát tại một số xã. Đầu tháng 10 này, tại gia đình bà Trần Thị Lan ở xóm Trung Nam, xã Phúc Thành có con lợn bị chết.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, tại thời điểm ngày 13/10, trên địa bàn huyện có 6 xã đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm: Văn Thành, Hậu Thành, Phú Thành, Phúc Thành, Tăng Thành, Hoa Thành và Hùng Thành. Tổng số lợn phải tiêu hủy 496 con, tổng trọng lượng trên 18 tấn.

Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành, cho hay: "Hiện còn 4 xã: Lăng Thành, Tiến Thành, Hợp Thành và Bắc Thành đang có mẫu bệnh phẩm lợn bị bệnh gửi đi cơ quan thú y vùng III xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có kết quả. Như vậy, trong 8 ngày qua, bệnh nguy hiểm đối với lợn này tiếp tục lây lan thêm một số xã".

Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát từ cuối tháng 9 đến nay tại xã Đồng Hợp. Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến ngày 13/10, tại xã Đồng Hợp đã tiêu hủy 80 con lợn, tổng trọng lượng gần 7 tấn, toàn bộ lợn bị bệnh tại 2 xóm Đồng Xượng và Đồng Hưng.

Nguyên nhân liên tục tái phát.

Theo BS Thú y Ngô Đức Quỳnh -  Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nghệ An và một số chuyên gia trong ngành Thú y cho biết: Sở dĩ bệnh DTLCP ở Nghệ An cứ liên tục tái phát chưa có hồi kết, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, tình trạng giết mổ lợn tự do, tự phát trong dân đang phổ biến dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng tái phát DTLCP là tất yếu. Trong khi đó, từ năm 2003 lại nay với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã xây dựng hàng loạt lò giết mổ tập trung ở các huyện, thành, thị. Nhưng hoạt động của các lò giết mổ tập trung rất èo uột, thậm chí đóng cửa. Điển hình như lò giết mổ tập trung ở xã Hưng Xá (cũ) nay là xã Long Xá huyện Hưng Nguyên được đầu tư 1,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhưng từ tháng 4/2019 lại nay, lò ngừng hoạt động do vắng khách hàng. Không riêng gì lò giết mổ Long Xá mà các lò giết mổ khác ở các huyện, thành, thị cũng tương tự như vậy.

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn bị DTLCP. Ảnh: BNA.

Thứ hai, công tác tiêm phòng dịch bệnh không triệt để. Tính đến nay, toàn tỉnh mới tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt từ 15 – 60% tổng đàn tùy địa phương, giảm từ 10 – 35% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 84 phường, xã không tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh cho gia súc và 237 phường, xã không tiêm vacxin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm.

Thứ ba, tình trạng buôn, bán thịt lợn trên thị trường diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Thịt lợn được bày bán tràn lan, trong chợ, ngoài chợ, dọc đường, thị tam, thị tứ, thậm chí trong các ngõ ngách của các khu chung cư, v.v.

Thứ tư, không ít người dân khi lợn đã bị nhiễm bệnh vẫn không khai báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương biết để tiêu hủy và có biện pháp cách ly. Thậm chí còn giết lợn để bán với hy vọng thu lại phần chi phí đã đầu tư vào chăn nuôi.

Thứ năm, vệ sinh chuồng trại trước và sau bệnh dịch thực hiện chưa triệt để. Điều đặc biệt lưu ý là virus bệnh DTLCP có khả năng tồn tại khắp mọi nơi từ dưới nền đất, vách tường chuồng trại, bám vào bụi bặm, trong nước… Nếu không vệ sinh chuồng trại tốt, không thường xuyên rải vôi khử trùng, không phun hóa chất tiêu độc khử trùng… thì mầm mống dịch bệnh có cơ hội tái phát lại dịch.

Thứ sáu, chưa khắc phục được tình trạng chăn nuôi lợn thả rông, nhất là ở các huyện miền núi, tập quán chăn nuôi lợn thả rông vẫn đang duy trì. Càng thả rông lợn thì không bao giờ ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng DTLCP bùng tái phát nhiều ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn… hiện nay.

Thứ bảy, thời tiết chuyển sang mùa đông giá lạnh. Sự thay đổi thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tái phát như hiện nay.

Thứ tám, trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP vừa qua và cả hiện nay thực sự chưa tốt, chưa triệt để, không liên tục, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để chống dịch có hiệu quả hơn.

Thứ chín, hiện tại ở các xóm, bản, làng, xã đang thiếu nhân lực cán bộ chuyên môn về thú y để giám sát dịch bệnh. Vì vậy cả người chăn nuôi và lãnh đạo địa phương rất lúng túng xác định bệnh dịch gì khi con gia súc bị ốm để có biện pháp phòng chống, chữa trị.

Thứ mười, không ít địa phương, người dân nóng vội tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học về dịch bệnh và dịch bệnh chưa qua 21 ngày không tái phát trở lại. Do vội vã tái đàn nên con giống lợn mua về nuôi rất tùy tiện không biết rõ nguồn gốc, không biết có an toàn bệnh dịch hay không và cuối cùng lại mắc phải dịch bệnh.

Giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trên cơ sở từ những nguyên nhân gây ra tình trạng bùng phát bệnh DTLCP nói trên, các địa phương và bà con chăn nuôi lợn cần rà soát, đối chiếu lại, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được thì tiếp tục áp dụng thực hiện thật tốt, thật triệt để, để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả và thuốc điều trị đặc hiệu được bệnh Dịch tả lợn châu phi, vì vậy, đối với người chăn nuôi giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ, là giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống bệnh DTLCP.

Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác.

Công tác khử trùng, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan phải áp dụng thực hiện triệt để, để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất

Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho lợn như: Vắcxin dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móng… cho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp.

Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh DTLCP để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.

Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh Dịch tả lợn châu phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh; cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top