Hôm nay (13/6) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bệnh nhiệt thán.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, hiện trên địa bàn các xã Xá Nhè và Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có các trường hợp trâu, bò ốm, chết nhưng không được khai báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 30/5 đến nay, bệnh nhiệt thán đã xảy ra tại 6 hộ thuộc 2 bản trong xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với tổng số gia súc chết và tiêu hủy do mắc bệnh là 7 con trâu, bò. Trước đó, từ ngày 5/5 đến nay, bệnh nhiệt thán đã xảy ra tại 10 hộ thuộc 3 bản trong xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên với tổng số gia súc chết và tiêu hủy do mắc bệnh là 10 con.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây lan từ vật sang người được các chuyên gia cho biết, là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin nhiệt thán. Khi trâu, bò chết, người dân không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương mà tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây bệnh cho người, trong đó, 13 người ở Điện Biên và 3 người ở Lai Châu.
Cùng với đó, kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm của đoàn công tác Cục Thú y cho thấy, nhiều mẫu môi trường (đất, nước) tại những nơi giết mổ trâu, bò cho kết quả dương tính với mầm bệnh nhiệt thán.
Bò bị bệnh nhiệt thán
Trước tình trạng này, Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu khẩn trương rà soát tổng đàn gia súc trên địa bàn, bố trí kinh phí mua vacxin, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc có nguy cơ. Đồng thời, tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại những nơi chưa có dịch nhưng tiếp giáp với nơi đã có dịch.
Bộ NN-PTNT đề nghị chính quyền và cơ quan chuyên môn của địa phương trực tiếp tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc bệnh và hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy, thu gom tất cả chất thải của gia súc, lớp đất cát mặt nền chuồng, sau đó xử lý cùng xác động vật mắc bệnh để không làm phát tán, lây lan dịch bệnh. Sử dụng các loại hóa chất có tác dụng diệt vi khuẩn, nha bào nhiệt thán để thực hiện thường xuyên, liên tục biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh.
Một công tác quan trọng nữa là tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu và tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán, không tự ý vận chuyển, giết mổ gia súc, bán, cho, tặng, ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Người dân phải khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương ngay khi phát hiện động vật có biểu hiện của bệnh, phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức xử lý ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt lưu ý, hướng dẫn người dân, người tham gia chống dịch, xử lý ổ dịch phải có dụng cụ bảo hộ cá nhân, phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không để bị nhiễm mầm bệnh nhiệt thán (vì rất có thể mầm bệnh, nha bào nhiệt thán đã phát tán trong môi trường đất, nước tại những nơi có gia súc bệnh, nơi người dân giết mổ, sử dụng thịt gia súc bệnh).
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Thú y trong việc chia sẻ thông tin, điều tra ổ dịch, ngăn chặn tác nhân gây bệnh lây từ gia súc mắc bệnh sang người và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.