Để phát triển cây thanh long theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng, giữ vững và phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận.
Trong đó, tập trung, dồn sức sản xuất thanh long an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến từ quả thanh long; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất.
Liên kết chuỗi
Mục tiêu của Hàm Thuận Nam là sản xuất ra các nông sản, đặc biệt là thanh long đạt chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng, đảm bảo quy trình an toàn cho người sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm, do đó, huyện đã áp dụng chương trình sản xuất liên kết chuỗi thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến cuối năm 2022, diện tích sản xuất thanh long của Hàm Thuận Nam là 13.699 ha, trong đó có 7.624 ha/4.711 hộ/218 tổ, nhóm được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 56% tổng diện tích thanh long của huyện. Ngoài ra, huyện còn áp dụng chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích được công nhận là 457ha và 100ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Huyện HàmThuận Nam đã áp dụng chương trình sản xuất liên kết chuỗi thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để sản xuất liên kết chuỗi thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2021, Hàm Thuận Nam đã triển khai hỗ trợ các dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long với quy mô liên kết 76ha/2.280 tấn, với kinh phí hỗ trợ 1.951,7 triệu đồng. Trong đó, có dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30; quy mô 26 ha/20 hộ/780 tấn tại xã Hàm Minh, với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án là 791,8 triệu đồng. Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo liên kết với Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn xã Mương Mán để thu mua sản phẩm; quy mô liên kết là 20ha/15 hộ/600 tấn; kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án là 554,9 triệu đồng. Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của cơ sở thu mua thanh long Bối Trác liên kết với Hợp tác xã thanh long Quốc Cường để thu mua sản phẩm; quy mô liên kết là 30 ha/10 hộ/900 tấn tại xã Thuận Quý, với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án là 605 triệu đồng.
Năm 2022, Hàm Thuận Nam thực hiện dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại Tổ dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm, với diện tích 103,6ha.
Xây dựng thương hiệu uy tín
Triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thời gian qua bước đầu giúp ổn định đầu ra cho nhà vườn với giá cả ổn định, tránh được tình trạng ép giá khi tới mùa vụ; áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm thanh long, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng sản xuất, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện Hàm Thuận Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thị trường tiêu thụ, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có uy tín trên thị trường. Khuyến khích xây dựng các đề án, dự án nông nghiệp công nghệ cao đối với các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng trên địa bàn huyện. Ưu tiên đầu tư phát triển đối với các loại cây chủ lực trên địa bàn, đặc biệt là cây thanh long và các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương; đồng thời, tăng cường đầu tư thực hiện các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp phù hợp với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…