Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 2 năm 2024 | 13:17

Gặp những nông dân chịu nghĩ, dám làm

Thời tiết chuẩn bị vào Xuân se lạnh kèm mưa phùn nhưng chúng tôi thấy ấm lòng khi được gặp những tỷ phú nông dân đang cần mẫn, miệt mài trên thửa vườn, khu trang trại.

Năm cũ chất chồng khó khăn qua đi, năm mới với nhiều kỳ vọng mới đang đến. Mùa Xuân mang đến cho người dân Hà Tĩnh niềm vui và khát vọng về những “mùa vàng” no ấm, yên bình.

Những giám đốc “chân đất”

Những ngày cuối năm Quý Mão, vườn lan hồ điệp rộng hơn 2.500m2 tại thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê (Thạch Hà) luôn nhộn nhịp với khung cảnh công nhân chăm sóc cây, tưới hoa, người buôn lan tuyển chọn những chậu hoa ưng ý.

Chủ vườn Phạm Văn Huy kể, ý tưởng trồng hoa lan hồ điệp được hình thành 2 năm trước đây nhưng do còn băn khoăn vì chưa nghiên cứu sâu về đặc tính sinh học của loài cây này, liệu nó có chịu được khí hậu khắc nghiệt vùng ven biển Thạch Khê hay không nên anh chững lại.

Sau khi dành thời gian nghiên cứu, tham khảo từ các mô hình trồng lan hồ điệp thành công ở một số địa phương, anh Huy quyết định đầu tư trồng loài hoa vương giả này với mục đích thương mại.

Cuối năm 2022, vợ chồng anh đầu tư hơn 10 tỉ đồng để xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, mua sắm các vật tư cần thiết cho vườn lan hồ điệp.

Tháng 3/2023, lứa giống lan hồ điệp đầu tiên được anh đưa về trồng trong nhà lưới. Bằng sự miệt mài, cần mẫn cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại  nên việc thí điểm trồng lan của anh đã sớm thành công. Từ đó, anh trồng thêm nhiều đợt mới, cây đều sinh trưởng tốt.

Mô hình lan hồ điệp của anh Phạm Văn Huy .

Theo anh Huy, việc trồng lan hồ điệp tại nơi được coi là vùng khí hậu khắc nghiệt nhiều người cứ nghĩ là làm liều nhưng hiện nay họ đã phải thay đổi cách nghĩ. Theo tính toán, chi phí sản xuất tại Hà Tĩnh còn có thể tiết kiệm hơn so với vùng chuyên sản xuất lan hồ điệp như Đà Lạt (Lâm Đồng). Đến thời điểm này, anh khẳng định, mô hình trồng lan hồ điệp đã thành công. Bởi tất cả cây lan được trồng đều có tỉ lệ ra ngồng hoa 100%, một số cây cho hoa rất dày và rực rỡ.

Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh Huy đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu và đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Hiện tại, khu vườn có hơn 6 vạn cây lan hồ điệp với 24 màu hoa cùng nhiều tên gọi khác nhau, đã xuất bán được hơn 20.000 cây, ngoài thị trường Hà Tĩnh còn có người kinh doanh hoa ở Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hoá... đến tìm hiểu và đặt hàng. Mỗi cây lan hồ điệp được bán tại vườn với giá 180.000- 260.000 đồng. Dự kiến năm 2024, anh Huy thu về khoảng 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) được bà con gọi với nhiều cái tên trìu mến “giám đốc chân đất”, “lão nông mê ruộng”... bởi ông đã cùng nông dân xây dựng thương hiệu gạo riêng, mở hướng phát triển bền vững trên quê lúa.

“Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở xã Vượng Lộc. Sau khi xuất ngũ năm 1993, tôi trở về quê hương tham gia công tác ở thôn, đến năm 1998 được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Ngày ấy, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, cuộc sống đều dựa vào vài sào đất lúa. Đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Thêm vào đó, rủi ro về thời tiết, đầu ra thị trường phập phù, nhiều biến động khiến cho cuộc sống không khá lên được. Đã có lúc tôi dự định ly nông để thay đổi cuộc sống nhưng rồi sau bao trằn trọc, nghĩ suy, tình yêu đồng ruộng đã níu bước chân tôi”, ông Trung bộc bạch.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, ông Trung nhận thấy: Muốn phát triển thì phải đổi mới, phải nắm bắt được xu thế thị trường. Thế nhưng, để đưa cái mới vào thực tiễn hết sức khó khăn, khi tư duy, tập quán sản xuất của bà con vẫn theo lối cũ.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng xây dựng thành công gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Quá trình triển khai, ông Trung luôn có mặt trên đồng ruộng, hết động viên bà con kiên định với kế hoạch sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, lại “cầm tay chỉ việc” cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, ngay trong vụ đầu tiên sản xuất theo cách thức mới, thôn Hạ Vàng là một trong những địa phương có năng suất lúa cao nhất huyện (64 tạ/ha) và vụ hè thu tiếp theo đạt 56 tạ/ha. Sản phẩm làm ra cũng được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường, mang lại niềm vui trọn vẹn cho bà con nông dân.

Đến thời điểm hiện tại, HTX sở hữu cánh đồng thửa lớn rộng hơn 30 ha để triển khai sản xuất gạo OCOP. Nhưng với ông Trung, diện tích ấy còn nhỏ hẹp, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của người tiêu dùng. Vì thế, để mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập, ông dự kiến tiếp tục xúc tiến mở rộng diện tích liên kết lên khoảng 150 ha.

Kỳ vọng mới

Hơn 30 năm gắn bó với đồng đất quê nhà, ông Trung đúc kết cho mình bài học: Muốn phát triển nông nghiệp không thể đi bằng những bước chân đơn độc mà phải liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị. Và, sự hiện diện của sản phẩm gạo OCOP 3 sao của HTX Hạ Vàng là dấu mốc quan trọng trong hành trình sản xuất lớn.

Tâm huyết phát triển nông nghiệp bền vững được nảy mầm và nuôi dưỡng từ niềm đam mê, trân trọng từng tấc đất của quê hương, ông Trung đã lan tỏa tình yêu đồng ruộng đến xã viên và người nông dân bằng cách làm thiết thực, bạo dạn, mở hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo địa phương. Đây chính là yếu tố quan trọng để HTX Hạ Vàng trở thành điểm tựa vững chắc của người nông dân và là một trong những HTX hoạt động  hiệu quả ở Can Lộc.

Theo anh Huy, đầu tư vào nông nghiệp tưởng dễ hóa khó nhưng với lợi thế của địa phương thì vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Vấn đề là cần có tư duy và động lực mới để thúc đẩy nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường. Người nông dân cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua chuyển giao tiế bộ kỹ thuật, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi...

“Có thể nói, trong thành quả chung của bức tranh kinh tế Hà Tĩnh có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân làm việc bằng tất cả đam mê và sự nhiệt huyết. Hà Tĩnh hiện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới phát triển bền vững. Những “tỷ phú nông dân” không ngại khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo, cùng nông dân cả nước vẽ những “gam màu” tươi sáng cho bức tranh nông nghiệp của đất nước”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, cho biết.

Khi sắc Xuân đã hiện rõ nơi nơi, những “tỷ phú nông dân” ở Hà Tĩnh vẫn miệt mài với vô vàn công việc trên mảnh đất gắn bó như “máu thịt” của mình để có những mùa vàng “đơm hoa kết trái”. Những người nông dân năng động với những dự định, kế hoạch, dự án… chất chứa tinh thần sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa Xuân rực rỡ.

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top