Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, bố trí lịch thời vụ đông xuân 2022 – 2023 gắn với cơ cấu giống lúa ngắn, trung ngày tùy vào điều kiện cụ thể từng vùng, cho lúa đại trà trổ từ 01/3 đến trước 15/3, thu hoạch trước 15/4/2023.
Căn cứ thời điểm lúa trổ, các địa phương xác định khung lịch thời vụ gieo sạ lúa đại trà cho phù hợp. Cụ thể, đối với chân ruộng sử dụng nguồn nước từ ao, hồ, đập nhỏ: Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để gieo sạ lúa cho phù hợp với nguồn nước (nên gieo sạ trước ngày 15/12/2023).
Căn cứ thời điểm lúa trổ, các địa phương xác định khung lịch thời vụ gieo sạ lúa đại trà cho phù hợp
Đối với những vùng ruộng trũng, thoát nước kém: Tranh thủ nước rút đến đâu, xuống giống đến đó, nhưng phải kết thúc gieo sạ trước ngày 10/01/2023.
Đối với chân ruộng chủ động tưới, tiêu: Trà chính vụ: Gieo sạ từ ngày 15/12 -31/12/2022 đối với các giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 105 ngày đến dưới 115 ngày.
Trà muộn: Gieo sạ từ ngày 01 - 10/01/2023 đối với các giống lúa có TGST dưới 105 ngày; chậm nhất phải kết thúc gieo sạ trước ngày 10/01/2023 để thu hoạch trước 15/4/2023.
Cơ cấu giống lúa: Giống chủ lực: ĐH815-6, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, Thiên Hương 6, Hà Phát 3, DT45, Đài Thơm 8, QNg13, ML232, MT10. Giống bổ sung: Hương Xuân, TBR225, QNg128, VNR20, HĐ34, VTNA2, KD28, HN6, PC6, TBR1. Giống triển vọng: ĐT100, VNR10, TBR97, Sơn Lâm 1.
Trên cơ sở khung thời vụ và cơ cấu giống khuyến cáo nêu trên, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng và điều kiện canh tác của địa phương quản lý.
Một số lưu ý trong tổ chức thực hiện
Sử dụng giống lúa thuần cấp nguyên chủng hoặc giống cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lượng giống gieo sạ 80-90kg/ha. Có thể lựa chọn và sử dụng những giống lúa đã công nhận chính thức được phép sản xuất, kinh doanh hoặc đã được cấp quyết định lưu hành giống tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đối với giống lúa mà các công ty giống, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng với địa phương (có cam kết bảo hiểm năng suất) để triển khai mô hình trình diễn giống lúa triển vọng, sản xuất lúa chất lượng, hàng hóa, sản phẩm hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch theo liên kết sản xuất tiêu thụ và hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa thì được tiếp tục tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết.
Triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, như giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón phù hợp, tiết kiệm nước tưới, áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, như: Ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, “1 phải, 5 giảm”…