Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 5 năm 2023 | 10:0

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ nội hàm bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất

Nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,... đã có sự phân tách cần thiết, vấn đề rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn.

Tuy nhiên, còn một số nội  dung cần tiếp tục xem xét và chỉnh sửa, như: dự thảo Luật không quy định khái niệm về “xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất”; nội hàm vấn đề bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất còn bị đánh đồng…

Những hỗ trợ trong thu hồi đất phải được coi là bồi thường

Trên thực tế, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, việc lên phương án bồi thường đối với những hộ gia đình, tổ chức có đất bị thu hồi, nhất là xác định để bồi thường hay hỗ trợ đang có những bất cập và là một trong những nguyên nhân khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua do không rõ ràng về khái niệm.

Anh Nguyễn Văn T. ở Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất cho dự án nhưng người dân vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng vì đáng lẽ ra phải bồi thường cho chúng tôi chứ không thể hỗ trợ được.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Vì khi thu hồi đất, những cây trồng - vật nuôi, thậm chí là thu nhập thường xuyên của chúng tôi có được từ diện tích đất bị thu hồi sẽ không còn nữa, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Chúng tôi sẽ phải đi tìm kiếm việc làm hay làm công việc khác để ổn định cuộc sống. Việc thu hồi đất để thực hiện dự án này gây thiệt hại cho người nông dân, nên chúng tôi phải được bồi thường  chứ không thể là hỗ trợ.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế (Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội), nhận định: Đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có sự phân tách cần thiết, vấn đề rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần tiếp tục xem xét và chỉnh sửa, như: dự thảo Luật không quy định khái niệm về “xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất”; nội hàm vấn đề bồi thường và hỗ trợ đang bị đánh đồng…

Theo đó, những vấn đề hỗ trợ hiện nay đang thực hiện như: hỗ trợ khi di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề… Thực chất đó là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu và buộc phải bồi thường chứ không phải là hỗ trợ.

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Luật Dân sự.

Tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm ổn định là chế định trong thu hồi đất nông nghiệp

Một người dân ở thị trấn Quang Minh (Mê Linh - Hà Nội) cho biết, trước đây, khi người dân bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng khu công nghiệp Quang Minh, nhà đầu tư cam kết sau khi thu hồi đất, người bị thu hồi đất sẽ được đào tạo nghề và tiếp nhận vào làm việc, nhưng thực tế lại khác rất nhiều so với cam kết ban đầu.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) với mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng, được người dân có đất bị thu hồi đồng tình ủng hộ, nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Mọi tiêu chí đưa ra để tuyển dụng và đào tạo đều cao hơn với trình độ hiện có của người dân, ngay cả việc tuyển dụng vào làm công nhân tại các nhà máy cũng vậy. Hầu hết chúng tôi sau khi bị thu hồi đất phải tự tìm kiếm việc làm và phải tự đi học nghề để đáp ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng.

“Nông dân mong muốn khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp phải tiếp nhận, đào tạo nghề, giúp chúng tôi có công ăn, việc làm ổn định, nhất là đối với thanh niên đang độ tuổi lao động”, người dân này nói.

Quan tâm tới khía cạnh thu hồi đất nông nghiệp, TS. Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nêu đề xuất: Để đảm bảo  thu nhập, ổn định đời sống của người dân bị thu hồi đất, cần thực hiện đồng bộ từ việc tổ chức lại sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống. Nghị quyết số 18/NQ-TW định hướng: “Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”. Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cân nhắc các quy định luật đảm bảo cho người dân có việc làm, có thu nhập ổn định. Theo đó, yêu cầu tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm ổn định cần coi như điều kiện trong chế định thu hồi đất nông nghiệp.

Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, rất cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể về việc bồi thường hay hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của người dân, đảm bảo khi bàn giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án, người dân không bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, cần phải có quy định rõ ràng đối với nhà đầu tư khi thu hồi đất nông nghiệp bắt buộc phải có việc tiếp nhận, đào tạo nghề đối với những người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Có như vậy, mới đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

Thay đổi về cấp sổ hồng từ 20/5

Ngày 3/4, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là sổ hồng).

Cụ thể, theo Nghị định 10, công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng, về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, Luật Du lịch 2017 quy định cơ sở lưu trú du lịch bao gồm khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác.

Như vậy, Nghị định 10 của Chính phủ sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp sổ hồng cho loại hình bất động sản là căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa)...

Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung quy định về giấy tờ cần có khi cấp sổ hồng cho dự án không phải nhà ở; sửa quy định về thẩm quyền cấp sổ hồng và quy định cụ thể về cấp sổ trên môi trường điện tử.

Nghị định 10/2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2023.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top