Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), đã tập hợp nhiều bà con địa phương lại cùng nhau hợp tác trồng sầu riêng theo hướng VietGAP; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm phát triển bền vững, giúp nhiều hộ ở nông thôn vươn lên làm giàu…
Sầu riêng chất lượng của HTX Nông nghiệp Tân Phú đạt OCOP.
Thay đổi cách làm, giúp tăng thu nhập
Chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ ấp Hàm Luông, xã Tân Phú canh tác sầu riêng hàng chục năm nhưng thu nhập chỉ tạm đủ sống, không dư nhiều bởi sản xuất tự phát dẫn đến chi phí đầu tư cao, bán giá thấp. Mấy năm nay, chị được vận động tham gia HTX Nông nghiệp Tân Phú, từ đó được tập huấn các lớp khuyến nông, kỹ thuật làm vườn; tiếp cận mô hình canh tác VietGAP… Từ những kiến thức có được, chị thiết kế lại vườn trồng sầu riêng giống Ri6, áp dụng các giải pháp kỹ thuật do HTX và ngành Nông nghiệp hỗ trợ.
Ðể sầu riêng bán được giá cao, chị cùng các thành viên trong HTX xử lý trái vụ từ tháng 9 đến tháng 2; thời điểm này giá bán sầu riêng dao động 90.000-130.000 đồng/kg đối với giống Ri6, với năng suất 20 tấn/ha, mỗi héc-ta sầu riêng mang về bạc tỉ, hiệu quả cao hơn những loại cây trồng khác. Vụ sầu riêng năm 2024, chị Diễm canh tác 20 công, thu hoạch khoảng 24 tấn, bán giá từ 90.000-130.000 đồng/kg, thu về khoảng 2,5 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa, ngụ xã Tân Phú cho hay, bà con xứ này trồng cây ăn trái khá lâu, tuy nhiên hạn chế là tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết nên hiệu quả chưa cao. Từ khi tham gia HTX đã giúp mọi người thay đổi cách nhìn, cách làm; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa vào các ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất sạch, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chính những thay đổi này đã giúp vườn sầu riêng 10 công của gia đình tôi đạt năng suất cao, bán giá tốt; thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng, có điều kiện lo cho con gái ăn học tới nơi tới chốn.
Ðưa chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng xanh tốt của mình, chị Cao Thị Hạnh (xã Tân Phú) chia sẻ: “Trước đây mỗi khi sầu riêng bị bệnh nứt thân, xì mủ… thì tôi chỉ biết chạy ra các cửa hàng phân thuốc mua về phun xịt đại trà, nên khá tốn kém. Từ khi tham gia HTX được tập huấn thường xuyên nên bà con nắm vững lúc nào cần phun thuốc và phun loại nào vừa hiệu quả mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái. Ngoài ra, còn được HTX hướng dẫn không thu hoạch trái còn non, mà phải để trái già tự nhiên trên cây nhằm đảm bảo độ ngọt, độ béo thì sầu riêng mới ngon; xuất khẩu đạt tiêu chuẩn. Ðây cũng là cách tạo uy tín và thương hiệu cho sầu riêng HTX Tân Phú. 15 công sầu riêng của gia đình tôi áp dụng các quy trình này mang lại doanh thu mỗi năm từ 1-1,3 tỉ đồng…”.
Ðoàn kết, giúp nhau cùng làm giàu…
Chị Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú nhìn nhận: “Ðể có được HTX lớn mạnh và nhiều hộ thu nhập bạc tỉ như hiện nay là một quá trình vượt khó khăn, kiên trì phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong tổ chức hội phụ nữ cơ sở”. Chị Thinh nhớ lại, ngày trước bà con nông thôn vùng này cũng giống như nhiều nơi khác làm nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết nên đầu ra sản phẩm bấp bênh. Quyết tâm thay đổi sản xuất theo hướng hiện đại, tháng 3-2017, Chi hội Phụ nữ ấp Hàm Luông thành lập Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Hàm Luông với 11 thành viên. Ðể Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, chị Thinh cùng các thành viên hình thành nhiều nhóm như kỹ thuật, thu hoạch, kinh doanh, giao lưu… mỗi tháng họp một lần nhằm trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Các thành viên trong tổ còn hỗ trợ nhau về chăm sóc, thu hoạch. Những lúc nhàn rỗi thì các thành viên đứng ra nhận làm thuê như tạo tán, tỉa bông, thụ phấn… cho những hộ trồng sầu riêng bên ngoài nhằm tăng nguồn thu cho tổ hợp tác.
Tháng 8-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre chọn Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các thành viên được hỗ trợ phương pháp chăm sóc sầu riêng “4 đúng” về bón phân và xịt thuốc “đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách”. Ngoài ra, còn được hướng dẫn sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc cây, canh tác tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng khu vườn xanh - sạch - đẹp…
Nhờ hoạt động hiệu quả nên tháng 12-2020 qua sự vận động của UBND xã Tân Phú, HTX Nông nghiệp Tân Phú được thành lập. Lúc đầu HTX có 51 thành viên, nay tăng lên hơn 300 thành viên, với 320ha diện tích sản xuất. HTX còn hình thành 8 tổ dịch vụ vừa hỗ trợ các xã viên trong canh tác sầu riêng, vừa đi làm dịch vụ ở nhiều nơi khác. Ðến nay HTX xây dựng được 6 mã vùng trồng sầu riêng và áp dụng sản xuất VietGAP trên diện tích 200ha… “Những năm qua, HTX liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với giá ưu đãi để hỗ trợ cho xã viên, trong đó những hộ canh tác hữu cơ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/vụ; đồng thời hợp tác với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng nhằm tiêu thụ giá tốt cho xã viên khi tới kỳ thu hoạch…”- Giám đốc Nguyễn Thị Thinh, cho hay.
Song song với việc cung ứng sầu riêng tươi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, Giám đốc Nguyễn Thị Thinh còn suy nghĩ ra việc chế biến sâu như sầu riêng cấp đông; chế biến sầu riêng chiên giòn, chả giò sầu riêng, cà ri nấu sầu riêng, sầu riêng xào thập cẩm… nhằm đáp ứng đa dạng sản phẩm ra thị trường, góp phần làm tăng giá trị mang lại từ trái sầu riêng. HTX cũng xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Tân Phú và đạt chứng nhận OCOP 4 sao…
Gần đây, HTX tổ chức đoàn sang tỉnh Ðồng Tháp học hỏi mô hình “hội quán”, sau đó về thành lập Câu lạc bộ hội quán Tân Phú với 50 thành viên, nhằm liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và ngành chức năng trong sản xuất sầu riêng; đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm như trồng, chăm sóc, thu hoạch trái cây… phục vụ du khách tới tham quan…
Lãnh đạo UBND xã Tân Phú cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách bài bản, hiện đại thông qua mô hình HTX kiểu mới, nhờ vậy nhiều bà con nông thôn có thu nhập bạc tỉ từ nghề nông giờ đã không còn là chuyện lạ…