Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024 | 9:49

Hà Nội: Các trạm bơm tiêu úng hoạt động hết công suất

Trước tình hình ngập lụt do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua, làm cho nhiều diện tích lúa, đất nông nghiệp của bà con nông dân bị ngập lụt nghiêm trọng. Theo sự chỉ đạo của ngành NN&PTNT, hàng trăm trạm bơm đang được các doanh nghiệp thuỷ lợi tích cực vận hành hết công suất để tập trung tiêu úng cho cây trồng.

Đê điều, kênh mương và hoa màu bị thiệt hại

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của Bão số 2, từ ngày 22 đến ngày 31/7, trên địa bàn huyện có mưa lớn (lượng mưa đo được trên 400mm), kết hợp với nước lũ từ rừng ngang tràn về đã làm mực nước sông Bùi dâng cao rất nhanh.

Mưa lũ làm ngập nhiều nơi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt có lúc lên là 7,40m, cao hơn báo động cấp III là 0,4m; mực nước sông Ðáy tại Ba Thá là 6,30m, dưới mức báo động III 0,3m; mực nước hồ Miễu, hồ Ðồng Sương, hồ Văn Sơn cũng ở mức đỉnh.

Tính đến 11 giờ ngày 31/7, mực nước sông Bùi rút xuống còn 7,13m, cao hơn báo động cấp III là 0,13m; các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu vẫn ở mức vượt đỉnh.

Mưa lũ đã làm vỡ hai vai đập tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến, làm hư hỏng hơn 650m kênh mương tại các xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và 100 cầu, cống, đập nhỏ bị ngập, hư hại...

Ðáng chú ý lũ lớn đã làm hơn 4.800m đê thuộc địa bàn 11 xã bị ngập từ 2 đến 90cm, gây ngập úng 141.450m đường giao thông nội đồng, hơn 34.200m đường giao thông nông thôn và nhiều khu dân cư.

Hơn 1.340 hộ dân ở 24 thôn, xóm bị ngập nhà cửa từ 0,5-2m; hơn 1.500 hộ bị ngập lối đi. Hàng nghìn héc-ta lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có hơn 70.000m2 chuồng trại bị ngập; gần 5.000 con gia súc và hơn 210.500 con gia cầm bị ảnh hưởng.

Tại huyện Quốc Oai, những ngày qua cũng có mưa lớn, tổng lượng mưa trên 480 mm. Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Tích dâng cao, gây ngập úng một số khu dân cư, gồm hơn 500 hộ dân trên địa bàn. Trong đó, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu là địa bàn bị ngập sâu nhất, được ví là "ốc đảo", khi bốn bề đều mênh mông nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân.

Tính đến 17 giờ trưa 30/7, mưa lũ đã làm ngập gần 790 ha đất sản xuất nông nghiệp, trí giá trên 23 tỷ đồng; gây sạt lở đê bao Phú Bình, xã Phú Cát và gây ra bốn sự cố sạt trượt mái đê hữu Ðáy tại các xã: Sài Sơn, Ðồng Quang và Tân Hòa. Cung sạt trượt có chiều dài từ 25 đến 30m, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê đang bị ngâm nước dài ngày. Có 5 xã với 531 hộ dân, 2.546 nhân khẩu bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Căng mình chống ngập úng

Trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) chưa khi nào dừng hoạt động trong gần 1 tuần vừa qua, 6 tổ máy bơm tại trạm được các cán bộ, công nhân viên vận hành liên tục để tiêu thoát nước tại các xứ đồng, bảo vệ những diện tích lúa vụ Mùa.

Công nhân vớt rác tạo dòng chảy tiêu thoát nước chống úng ngập tại Trạm bơm An Vọng (huyện Chương Mỹ).

Trạm trưởng trạm bơm Vĩnh Phúc Nguyễn Quang Minh cho biết, trước đó, từ ngày 16/7, khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài sắp diễn ra, đơn vị đã chủ động vận hành bơm tiêu nước đệm khỏi đồng ruộng. Hiện, nhiều diện tích canh tác lúa thuộc các xã ven sông Tích, mực nước đã rút.

Huyện Chương Mỹ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tổng diện tích nông nghiệp bị ngập úng. Hiện, Xí nghiệp đầu tư phát triển thuỷ lợi huyện Chương Mỹ đang “căng mình” chống úng ngập cho hàng trăm héc-ta lúa vụ Mùa còn đang ngập nước.

Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thuỷ lợi huyện Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng cho biết, những ngày qua, hàng chục cán bộ, công nhân viên các cụm thuỷ nông tiếp tục ứng trực 24/24 giờ theo phân công, tập trung vận hành tối đa các tổ máy bơm để tiêu thoát nước khỏi các xứ đồng.

Trong quá trình chống ngập úng, cán bộ, công nhân viên các trạm bơm cũng đối diện nhiều thách thức. Hệ thống các trạm bơm được xây dựng cách đây 50 - 60 năm, hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp. Dù trước mùa mưa lũ năm nay, nhiều hạng mục đã được tu sửa nhưng năng lực vận hành rất hạn chế.

Đặc biệt, trong bối cảnh mực nước các sông đều lên cao trên mức báo động trong những ngày qua, việc tiêu thoát nước của hệ thống trạm bơm gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt có một số trạm bơm còn… bị ngập, do mực nước sông lên nhanh. Cán bộ, công nhân viên phải di dời máy móc lên cao để bảo vệ tài sản của nhà nước.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, do ảnh hưởng của mưa lớn, có thời điểm, hơn 11.000ha lúa vụ Mùa năm 2024 trên địa bàn TP bị ngập nước. Đó là chưa kể hàng ngàn héc-ta rau màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng tại những vùng trũng, thấp…

Tuy nhiên, đến nay với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thuỷ lợi, phần lớn những diện tích sản xuất nông nghiệp tại các huyện ven sông đã không còn bị ngập úng. Hiện, những diện tích bị chưa tiêu thoát hết nước còn lại chủ yếu là cây lúa thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai…

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng trong những tháng còn lại của mùa mưa lũ năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các doanh nghiệp thuỷ lợi, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) tại Văn bản số 1084/TL-VHTT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản, tiếp tục đề nghị các sở ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, chủ động các phương án ứng phó thiên tai, trong đó có úng ngập nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top