Các công ty thủy lợi tại các quận, huyện, thị xã (Hà Nội) đã bắt đầu lấy nước đổ ải từ 0h ngày 1/2 - 24h ngày 8/2 phục vụ cho vụ Xuân 2023.
Trước đó, để phục vụ cho lấy nước đổ ải đợt 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các công ty thủy lợi cũng như các quận, huyện, thị xã phối hợp triển kế hoạch lấy nước cụ thể; tập trung vận hành toàn bộ công trình hiện có, công trình dã chiến... để khẩn trương lấy nước, phục vụ gieo cấy lúa Xuân 2023 phù hợp với lịch xả nước dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lưu ý, đối với các huyện, thị xã: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây nằm trong lưu vực tưới của Trạm bơm Trung Hà và Trạm bơm Phù Sa phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ bơm nước, trữ nước.
Bơm lấy nước từ sông Hồng tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (Hà Nội). Ảnh tư liệu: TTXVN
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tập trung lấy nước; thông tin đến từng thôn, xóm về tình hình nguồn nước để người dân chủ động lấy nước vào ruộng, trữ vào kênh tiêu, ao, đầm... không để tình trạng lãng phí nước. Thời vụ cấy vụ xuân kết thúc sớm hơn so với mọi năm nên cần chủ động lấy nước vào ruộng và cấy đúng thời vụ.
Đến nay, 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố vận hành 154 trạm bơm với 325 tổ máy, tổng lưu lượng 474.000m3/h; tăng 50 trạm bơm và 73 tổ máy. Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đã cấp đủ nước cho 35.147ha, đạt 43,33% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân. Huyện có tỷ lệ cao diện tích được cấp đủ nước gồm Ứng Hòa với 83,58%, Phú Xuyên 82,76%, Thường Tín 69,36%, Mỹ Đức 66,63%...
Hồ thủy điện Tuyên Quang thực hiện xả nước thành 2 đợt trong thời gian 12 ngày. Ảnh tư liệu: Nam Sương/TTXVN
Đáng chú ý, một số huyện có diện tích gieo cấy lớn nhưng tỷ lệ cấp đủ nước đạt rất thấp, như: Gia Lâm với 2,68%, Sóc Sơn 3,49%, Phúc Thọ 10,87%, Mê Linh 12,79%, Đông Anh 12,89%, Ba Vì 14,48%...
Theo doanh nghiệp thủy lợi thành phố, nguyên nhân chính là do mực nước các sông Hồng, Đà, Đuống đoạn qua các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ... tiếp tục xuống thấp, không đủ điều kiện vận hành công trình lấy nước. Nông dân, nhất là các huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm chưa thu hoạch xong cây rau màu, chưa xuống đồng lấy nước lên ruộng, làm đất, gieo cấy…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp nước gieo cấy vụ xuân, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch cây vụ đông canh tác trên đất lúa; thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước...
Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố theo dõi chặt chẽ mực nước sông, kịp thời vận hành công trình lấy nước khi đủ điều kiện để trữ vào các kênh, ao, hồ, đầm, vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất, gieo cấy; tiếp tục kiểm tra, sẵn sàng vận hành công trình lấy nước trong đợt 2 điều tiết nước hồ thủy điện, bắt đầu từ 0h ngày 1-2 đến 24h ngày 8/2.
EVN dự kiến xả 3 tỷ m3 nước cho đợt lấy nước thứ 2 vụ Đông Xuân Trong thời gian này, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,8-1,9 m tại trạm Thủy văn Hà Nội). Trong tháng 1 năm nay, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng là cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Cụ thể, EVN hoàn thành đợt 1 cấp nước với tổng lượng nước xả là 1,412 tỷ m3, giảm được 347 triệu m3 so với kế hoạch. Trong tháng 1/2023, EVN và các đơn vị đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên cả nước, đặc biệt là dịp nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, phụ tải các ngày Tết năm 2023 thấp (chỉ bằng 92-95% so với dịp Tết năm 2022); hệ thống điện vận hành ổn định, có dự phòng, đáp ứng yêu cầu phụ tải. Thông tin từ EVN cho hay, trong đầu tư xây dựng, các dự án nguồn và lưới điện của EVN hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cũng như vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu, các ban tham mưu của EVN xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; trong đó, cần chú trọng bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; thúc đẩy và bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; cân đối nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện. Đặc biệt, trong thời gian tới, rà soát những khu vực thôn, bản chưa có điện để báo cáo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn vốn, phối hợp cung cấp điện tới những thôn, bản lõm sóng viễn thông do chưa có điện. Đối với các dự án trọng điểm, các đơn vị cần chỉ đạo các nhà thầu tập trung phương tiện, máy móc, thiết bị thi công trở lại thi công sau Tết; báo cáo giám sát tổng thể đầu tư năm 2022; làm việc với các bộ, ngành và địa phương giải quyết các vướng mắc về thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng, ... Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 của EVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng... |