Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 12 năm 2023 | 10:29

Hà Tĩnh ráo riết các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở khu vực Bắc Trung Bộ, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại Hà Tĩnh, từ ngày 10/11 đến 30/11/2023, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 39 hộ chăn nuôi của 18 thôn tại các xã: Cẩm Dương, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy (Đức Thọ); Xuân Phổ (Nghi Xuân), phường Trung Lương, phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh); Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc (Thạch Hà) làm cho 163 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu huỷ, với khối lượng 12.483 kg.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng dịch tại các địa phương.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế: dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn, chăn nuôi chung nhiều loại vật nuôi; người chăn nuôi có tâm lý chủ quan đối với phòng, chống dịch bệnh: khi phát hiện lợn ốm không báo cho chính quyền địa phương mà gọi thú y tư nhân hành nghề điều trị, người mua lợn trực tiếp vào chuồng nuôi trước khi xảy ra dịch; tại một số địa phương chưa quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, các giải pháp còn mang tính hình thức; một số địa phương cán bộ thú y cấp xã không có trình độ chuyên môn nên không nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, biến động tổng đàn để tham mưu giải pháp phòng chống dịch kịp thời...

Người dân Thạch Hà rải vôi bột, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang có chiều hướng diễn biến phức tạp; tại Hà Tĩnh, các đợt mưa lớn kéo dài làm cho nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm; bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng đàn phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán; hoạt động mua bán, vận chuyển gia tăng, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Thực hiện xịt khử khuẩn đối với các phương tiện vào ra

Để chủ động trong phòng chống và xử lý dứt điểm dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh, lây lan ra diện rộng, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng chống theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng chính phủ; Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 23/11/2023 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các văn bản hướng dẫn chuyên môn của ngành thú y, trong đó tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Đối với các địa phương đang có dịch: Kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, cấp xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và thực hiện việc tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trục giao thông chính, thức ăn, trang thiết bị chăn nuôi, trong đó, lưu ý quản lý, xử lý triệt để thức ăn chăn nuôi thừa tại các hộ xảy ra dịch, không được buôn bán, vận chuyển,... ra bên ngoài.

Lập hội đồng xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng gia súc tiêu huỷ, hồ sơ, thủ tục theo quy định. Rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu huỷ lợn mắc bệnh. Có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh và vùng xung quanh để không phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và khu vực liên quan đảm bảo yêu cầu, tần suất; giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ... chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, không tự điều trị và bán chạy lợn bệnh.

Thành lập các đoàn kiểm tra, phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với lợn mắc bệnh theo đúng quy định (trường hợp có lợn nái, đực giống ốm, nghi mắc bệnh cần lấy mẫu xác định dịch tả lợn châu Phi và tai xanh).

Triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, thời gian thực hiện đồng loạt trong tháng 12/2023.

Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

 Bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh. Rà soát, củng cố lại hệ thống cán bộ thú y các cấp, bố trí đủ cán bộ chuyên môn, đảm bảo thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ được giao trên địa bàn.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top