Phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè trên biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều ngư dân tại TP. Hải Phòng.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực vịnh thuộc quần đảo Cát Bà ở mật độ cao ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, phát triển du lịch của địa phương.
TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nhằm quy vùng tập trung nuôi trồng thuỷ sản tại các vịnh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Thực trạng
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, TP. Hải Phòng có trên 125km bờ biển, với 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, từ đặc điểm này mà vùng nước lợ Hải Phòng gắn liền với các nguồn thủy sản mà nhiều vùng bờ khác trong cả nước không có. Nghề nuôi biển của Hải Phòng tập trung tại huyện Cát Hải, gồm 2 khu vực chính: Khu vực Cát Hải và khu vực Cát Bà.
Độ mặn vùng biển Cát Bà tương đối ổn định, đồng đều, trong toàn vùng dao động 31 - 32‰ (mùa khô), 26 - 27‰ (mùa mưa). Vùng biển Cát Hải có độ mặn thay đổi theo mùa và thấp hơn so với vùng Cát Bà (mùa mưa 15-20‰; mùa khô 26-28‰).
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, kiểm tra kết quả thực hiện việc hỗ trợ, tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Trên các vịnh của quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng nuôi cá, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể với 1.298 nhân khẩu; trong đó, 377 cơ sở thuộc sở hữu của người dân địa phương, chiếm 84,32% tổng số cơ sở nuôi trồng.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản đều sử dụng lồng bè để nuôi cá (chủ yếu là cá song, cá giò, cá sủ sao, cá hồng, cá gáy, cá vược...) và giàn bè để nuôi nhuyễn thể (tu hài, sâng, ngao hoa, trai...). Sử dụng thùng phi, xốp để nâng đỡ lồng, bè; can nhựa, xốp và tre làm giàn bè. Thức ăn nuôi cá chủ yếu là cá tạp, cá con được thu mua từ các tàu khai thác thủy sản. Hệ thống nhà vệ sinh trên các bè nuôi thủy sản chủ yếu là nhà tạm, xả thải trực tiếp ra môi trường.
Qua khảo sát, nuôi cá và nhuyễn thể trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã mang lại thu nhập cao cho người dân (trên 100 triệu đồng/hộ/năm), tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, tăng khả năng dự trữ và cung cấp một lượng lớn thực phẩm phục vụ tiêu dùng và phát triển du lịch của huyện đảo Cát Hải.
Thiếu quy hoạch
Việc nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, sắp xếp vị trí nuôi chưa khoa học. Sản xuất mang tính đơn lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Bên cạnh đó là những vấn đề tồn tại, bất cập giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên cũng như cảnh quan du lịch, tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ cảnh quan môi trường trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Trước thực trạng trên, Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, tính đến ngày 24/8/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ tháo dỡ 256/435 cơ sở (đạt 58,8%), gồm 206 cơ sở tháo dỡ hoàn toàn và 50 cơ sở tháo dỡ từng phần (hỗ trợ 254/516 nhà chòi (đạt 49,2%); 3.773/8.216 ô lồng (đạt 45,9%); 12.734/58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể (đạt 21,66%); hỗ trợ ổn định đời sống cho 419 nhân khẩu).
Trong tổng số 256 cơ sở đã nhận tiền hỗ trợ tháo dỡ (113 cơ sở năm 2021; 137 cơ sở năm 2022; 6 cơ sở tự giác tháo dỡ không nhận tiền hỗ trợ).
Ngày 4/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - Nguyễn Đức Thọ đã có buổi kiểm tra và nghe báo cáo về kết quả thực hiện việc hỗ trợ, tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Sau khi trực tiếp kiểm tra, ông Thọ yêu cầu huyện Cát Hải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoàn thành việc tháo dỡ lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trước ngày 31/12/2022.
Nuôi thuỷ sản lồng bè tràn lan trên biển sẽ ảnh hưởng trược tiếp đến môi trường và phát triển du lịch của địa phương.
Cụ thể, UBND huyện Cát Hải phải xác định rõ sản lượng thủy sản còn lại trên các cơ sở nuôi trồng phải tháo dỡ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để xây dựng kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tháo dỡ. Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thực hiện thu gom, vớt rác thải trên mặt nước, đảm bảo vệ sinh môi trường trên vịnh…
Giải pháp phát triển bền vững
Để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, mục tiêu đến năm 2025, TP. Hải Phòng đạt 130 bè nuôi cá (2.080 ô lồng nuôi và 520 ô lồng công trình phụ trợ) tại Khu vực Hòn Thoi Quýt - Gia Luận và Khu vực Hang Vẹm - Vụng O.
Hình thành 2 điểm du lịch cộng đồng gắn với các mô hình tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch phù hợp (trong đó: 1 điểm tại Hòn Thoi Quýt - Gia Luận và 1 điểm tại Khu vực Hang Vẹm - Vụng O).
Các bè cá được cấp phép, đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Đặc biệt, TP. Hải Phòng quan tâm đến vật liệu, thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi, việc thiết kế lồng, bè đảm bảo dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt, chịu được sóng gió, an toàn cho người lao động và khuyến khích có khả năng đánh chìm khi có bão.
Tiếp tục thực hiện các chính sách của Trung ương và của thành phố đã ban hành còn hiệu lực để thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển bền vững. Nghiên cứu đề xuất các chính sách về vốn để hỗ trợ ngư dân trong quá trình xây dựng lại lồng bè cũng như đầu tư vào sản xuất.Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, kiểm tra kết quả thực hiện việc hỗ trợ, tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.