Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hải Phòng vừa có Công điện về việc phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân 2023.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua thời tiết Hải Phòng nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho các trà lúa vụ Xuân sinh trưởng và phát triển. Đến nay, diện tích lúa đã trỗ ước đạt 40% diện tích gieo cấy (DTGC toàn thành phố 27.588,5 ha), diện tích còn lại trỗ tập trung đến ngày 15/5/2023 (khoảng 90% DTGC).
Ảnh minh hoạ.
Hiện nay, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã vũ hóa rộ và đẻ trứng trên các trà lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng - làm đòng, trỗ bông rải rác. Nhiều nơi xuất hiện mật độ trứng và sâu non cao như xã Vinh Quang, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng); xã Kênh Giang, Hòa Bình, Phả Lễ, Hoa Động, Thiên Hương, An Sơn, Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên); xã Tam Cường, Hòa Bình, Cao Minh, Tiền Phong, Đồng Minh, Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo); xã Đại Đồng, Đoàn Xá, Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy); xã Bắc Sơn, An Hòa, Tân Tiến (huyện An Dương)…..
Để bảo vệ năng suất lúa vụ Xuân năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo tăng cường cán bộ kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thăm đồng, kiểm tra và phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên toàn bộ diện tích lúa trỗ sau ngày 5/5/2023 trở đi.
Đặc biệt, quan tâm những diện lúa đang trỗ - đã trỗ, tập trung phun trừ phun trừ sâu cuốn lá nhỏ có mật độ 20 con/m2 trở lên bảo vệ bộ lá đòng. Đối với những diện tích có mật độ sâu cao hàng trăm con/m2 nhất thiết phải phun kép 2 lần, phun lần 2 sau lần 1 từ 4 - 5 ngày. Thời gian phun trừ từ ngày 6/5 đến 10/5, ước diện tích phải phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gần 50% diện tích gieo cấy.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại khác: rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn... để phun trừ kết hợp phun cùng đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung Tâm Khuyến nông tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sinh trưởng của cây lúa; chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sinh vật gây hại lúa kịp thời, hiệu quả.