Dự án liên kết sản xuất lúa thuần TBR97 tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đạt hiệu quả cao; năng suất lúa bình quân trong dự án ước đạt 63-65 tạ/ha; nông dân sản xuất có lãi cao, tăng thu nhập.
Để tìm ra giống lúa phù hợp, năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống lúa tại địa phương và tạo chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân yên tâm sản xuất, năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giao, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tơ đã thực hiện Dự án liên kết sản xuất lúa thuần bằng giống TBR97. Tham gia liên kết gồm 289 hộ nông dân SX lúa thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số của 02 xã Ba Vinh (122 hộ) và Ba Điền (167 hộ), với qui mô 90,4 ha; thời gian triển khai từ tháng 5-8/2024.
Các đại biểu và bà con nông dân tham quan, đánh giá hiệu quả của giống lúa thuần TBR97 trong Dự án liên kết sản xuất lúa thuần tại Ba Tơ.
Mục tiêu cụ thể của Dự án liên kết sản xuất lúa thuần nhằm giúp các hộ nông dân tham gia liên kết nhận thức được ảnh hưởng của việc áp dụng tiến bộ KHKT, thể hiện được các kỹ năng xuyên suốt trong quá trình SX lúa thuần theo hướng liên kết với hiệu quả cao. Đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của địa phương; từng bước đạt được các tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện tốt cho việc sử dụng giống lúa mới phù hợp vào SX phổ biến rộng, với quy mô đại trà trên địa bàn huyện; góp phần đưa năng suất ngày một tăng cao. Tạo mô hình điển hình, phổ biến nhân rộng có hiệu quả trong thời gian tới; góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nâng cao năng suất lúa bình quân dự kiến ≥ 60 tạ/ha.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, trong quá trình thực hiện dự án liên kết SX lúa thuần có thuận lợi là được sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của chủ đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của UBND xã Ba Vinh và Ba Điền trong công tác tuyên truyền vận động nông dân. Nông dân tham gia thực hiện dự án hưởng ứng, đồng tình; đa số các hộ dân có chuẩn bị nguồn phân chuồng để bón lót, tuân thủ áp dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong làm đất, ngâm ủ giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại,...
Giống lúa thuần TBR97 “ưa” thêm vùng đất miền núi ba Tơ
Ông Phạm Hữu Huế, Phó giám đốc Công ty TNHH Miền Trung – Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) cho biết: Ngày 01/8/2022, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với giống lúa thuần TBR97 trên phạm vi vụ Đông Xuân (ĐX), Hè Thu (HT) tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Phạm Hữu Huế, PGĐ Công ty TNHH Miền Trung – Tây Nguyên (bên trái) chia sẽ thông tin về giống lúa TBR97 với nông dân Phạm Văn Ne (bên phải)
Trong những năm qua, giống lúa TBR97 ra sản xuất và đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm, cho năng suất khá cao, trung bình 70 tạ/ha, giống chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt.
Về đặc tính của giống, TBR97 là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn: ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: vụ ĐX 100 - 105 ngày, vụ HT: 90-97 ngày. Chiều cao cây 90-100cm, dạng hình gọn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, số hạt/bông trung bình đạt 165 - 200 hạt, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao. Khối lượng 1000 hạt 21 - 22 gam.
Giống chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu. Năng suất: vụ ĐX, Xuân: 80 tạ/ha, vụ HT 64 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát 68,0%, tỷ lệ gạo nguyên/gạo xát 71-78%, hàm lượng amylose 17,2%, hạt gạo dài, trong, cơm trắng, bóng, mềm, đậm, ngon vừa. Đây là giống ngắn ngày, gieo cấy được cả 2 vụ, ưu thế của giống lúa này là đẻ nhánh khỏe, gọn cây, lá đòng đứng vì vậy lượng giống cần gieo trồng ít hơn so với giống địa phương.
Anh Phạm Văn Ne ở làng Tương, xã Ba Điền chia sẻ: Vụ Hè thu 2024 gia đình anh được Dự án đầu tư, hỗ trợ giống lúa thuần TBR97 và phân bón để SX 5 sào (500m2/sào). Giống lúa thuần TBR97 của dự án có tỷ lệ nẩy mầm cao, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh, độ đồng đều cao, cứng cây. Giống lúa TBR97 thích hợp với môi trường của địa phương.
Ông Phạm Văn Enh, Phó chủ tịch UBND xã Ba Điền cho biết, toàn xã có diện tích lúa vụ ĐX 143,88ha, năng suất bình quân 60-62 tạ/ha; vụ HT 137,44ha, năng suất bình quân 55 tạ/ha. Vụ HT 2024 toàn xã có 167 hộ tham gia Dự án liên kết sản xuất lúa thuần TBR97, với diện tích 62,13ha. Giống lúa này chống chịu sâu bệnh, chống đổ ngã tốt, năng suất cao (khoảng trên 63 tạ/ha).
Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân đánh giá hiệu quả của Dự án liên kết và giống lúa thuần TBR97
“Qua thực tế SX cho thấy giống lúa thuần TBR97 phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ thâm canh của bà con nông dân tại địa phương, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi và sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn và bạc lá, cho năng suất cao so với các vùng SX ngoài dự án, do đó mạnh dạn đưa giống lúa TBR97 vào SX đại trà trong thời gian đến” – Bà Nguyễn Thị Vân nói.
Hiệu quả liên kết sản xuất lúa
Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân cho biết: Qua theo dõi kết quả thực hiện Dự án, vụ Hè Thu năm 2024 tại 02 xã: Ba Vinh và Ba Điền, chúng tôi nhận thấy giống lúa thuần TBR97 của dự án có tỷ lệ nẩy mầm cao, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh, độ đồng đều cao, cứng cây, chiều cao cây trung bình, trổ tập trung, bông dài, dày gié, trọng lượng hạt cao. Về năng suất lúa bình quân trong dự án ước đạt 63-65 tạ/ha. Có thể khẳng định: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa thuần TBR97 thương phẩm; nông dân sản xuất có lãi (trên 20,6 triệu đồng/ha), tăng thu nhập.
Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân đánh giá hiệu quả của Dự án liên kết và giống lúa thuần TBR97 tại Hội nghị tổng kết.
Dự án có ý nghĩa về kinh tế và xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao và ổn định năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn huyện. Sản xuất trồng lúa theo hướng hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị, kết nối thị trường cho các hộ nông dân, tăng thu nhập cho những hộ tham gia dự án.
Khả năng thâm canh của người nông dân vừa phải, đáp ứng được trên nhiều chân ruộng ở miền núi, bậc thang; nhất là phương thức sản xuất của nông dân là đồng bào dân tộc Hrê. Giống thuần TBR97 đưa vào sản xuất và quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.