Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 2023 | 8:55

Hiệu quả trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước ở Quảng Ngãi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất trồng lúa thiếu nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn nhưng không làm mất đi các điều kiện cần thiết để có thể trồng lúa trở lại, vừa phá thế độc canh cây lúa, giúp chủ động linh hoạt ứng phó biến đổi khí hậu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vừa sử dụng quỹ đất trồng lúa có hiệu quả và đa dạng hóa sản phẩm.

Đây là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năng suất cao

Tại Quảng Ngãi, trong những năm gần đây, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau, màu bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Theo đó, từ nguồn kinh phí chương trình khuyến nông tỉnh, vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hai huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành triển khai mô hình trồng ngô sinh khối trên chân đất lúa thiếu nước tưới, sản xuất kém hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; quy mô 10 ha/2 điểm, 60 hộ tham gia.

Kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50% (giống, phân bón, thuốc BVTV), 50% còn lại  nông dân đối ứng để thực hiện mô hình. Người tham gia mô hình có tinh thần tự nguyện, ham học hỏi, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, có trách nhiệm cao trong quá trình thực hiện mô hình.

Mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại Quảng Ngãi có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Nông dân khi tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, tiếp cận một số tiến bộ kỹ thuật  do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao, giám sát, hỗ trợ trong suốt cả vụ.

Vụ hè thu 2023, gieo trồng ngô trên đất lúa thiếu nước từ tháng 4 đến tháng 5. Giống ngô sử dụng là NK7328 Bt/GT, lượng giống 20kg/ha, trồng hàng đơn: hàng cách hàng 60-70cm, cây cách cây 25cm, mật độ 61.0000 - 67.000 cây/ha.

Ngô NK 7328 Bt/GT là giống ngô biến đổi gen từ giống nền NK 7328, được tích hợp công nghệ gen tiên tiến với sự có mặt của Bt11 giúp kiểm soát hiệu quả sâu đục thân trong mọi giai đoạn sinh trưởng và được xử lý Cruiser 350FS bảo vệ cây con khỏi sự gây hại của sâu xám. Chống chịu tốt với bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ; bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch; kháng sâu đục thân; cây cứng, chống đổ ngã tốt. Cây ngô thích ứng tốt với điều kiện đất đai (vùng đất sản xuất lúa thiếu nước) và thời tiết tại xã Đức Phú (huyện Mộ Đức) và xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành).

Mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại xứ đồng Cây Cầy, thôn Châu Me, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) nông dân rất phấn khởi.

Nhìn chung, thời tiết từ tháng 5- 8/2023 tại Quảng Ngãi thuận lợi cho cây ngô sinh trưởng, phát triển. Các hộ tham gia sản xuất có khả năng đầu tư phân bón, hệ thống tưới nước, công lao động đáp ứng yêu cầu của mô hình.

Sản phẩm của mô hình được Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi ký kết hợp đồng bao tiêu thông qua Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp. Giá thu mua tại ruộng 1,15 triệu đồng/tấn ngô sinh khối, thu mua tươi ngay tại ruộng nên người nông dân không tốn chi phí thu hoạch, vận chuyển, đầu ra ổn định.

Kết quả, năng suất mô hình bình quân đạt 55 - 59,8 tấn ngô sinh khối/ha. Trừ chi phí, kể cả công lao động, mô hình cho thu lãi 22 -28 triệu đồng/ha/vụ, tính ra thu nhập  42 - 48 triệu đồng/ha/vụ.

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú (xã Đức Phú, huyện Mộ Đức), cho biết: Vụ hè thu 2023, Trung tâm triển khai mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại xứ đồng Vu Vi, Cánh Tay và Trung Nguyên (thôn Phước Hoà, xã Đức Phú), với quy mô 5ha, gồm 43 hộ nông dân tham gia.

Trước đây, người dân sản xuất theo tập quán cũ, áp dụng không đúng kỹ thuật: Làm đất không lên hàng, trồng mật độ dày, trồng dưới đáy rãnh khi gặp mưa lớn hoặc tưới thừa nước rễ bị gí chặt, cây không phát triển, còi cọc, nhiễm sâu bệnh hại, tốn nhiều chi phí, năng suất, hiệu quả thấp. Từ khi triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, người nông dân  thấy được nhiều lợi ích, như: Được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sản phẩm được thu mua ngay tại ruộng, năng suất tăng, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao nên tích cực tham gia vào chuỗi liên kết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, mặc dù tổng chi phí đầu tư để sản xuất ngô sinh khối cao hơn so với chi phí đầu tư của sản xuất lúa trên chân đất thiếu nước, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa thiếu nước (ngô sinh khối) đem lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa  trên 11 triệu đồng/ha.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, cho biết: Vụ hè thu 2023, Trung tâm triển khai mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại xứ đồng Cây Cầy, thôn Châu Me, xã Hành Thịnh, với quy mô 05ha, gồm 17 hộ nông dân tham gia. Trên vùng đất triển khai mô hình, những năm trước chỉ sản xuất 1 vụ lúa đông xuân, vụ hè thu thường bỏ hoang không sản xuất vì thiếu nước tưới, nên khi triển khai mô hình, bước đầu vận động người dân tham gia gặp nhiều khó khăn. Đến nay, bà con trong vùng sản xuất nắm bắt kỹ thuật, mô hình thu hoạch đạt năng suất cao, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Trưởng phòng Kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi Lê Thị Út Quyên đánh giá: Nhìn chung, mô hình đạt được mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất, hướng đến sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vừa giúp tăng giá trị cây trồng, vừa ổn định đầu ra. Mặt khác, qua mô hình giúp người nông dân biết khai thác tài nguyên đất, nước tưới một cách hợp lý, tận dụng công lao động nông nhàn, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Thời gian tới, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình ở những vùng có điều kiện sản xuất tương đồng.

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả và bền vững, tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, như: Hoàn thiện giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu chủ động, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên vùng, áp dụng cơ giới hóa, sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chỉ đạo sâu sát việc xây dựng chuỗi liên kết, kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top