Thời gian qua, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ và nỗ lực rất lớn để xây dựng ”Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), vẫn có ”một số cơ chế, chính sách đặc thù” của Dự thảo Nghị quyết còn bất cập hoặc chưa khả thi hoặc chưa phù hợp với tính chất của “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù”, khi chỉ quy định thực hiện thí điểm những nội dung cơ chế, chính sách mà các luật hiện hành chưa quy định.
Cần có chính sách vượt trội, đột phá
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của Đông Nam Á là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và được xác định không chỉ là nhiệm vụ của Đảng bộ, Nhân dân TP. Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm chung của cả nước.
“Có thể thấy, việc TP. Hồ Chí Minh mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết lần này đã thể hiện tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và điều này cũng đã được thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách cụ thể. Nếu được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ V này, Nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố mạnh dạn thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục, cũng như mô hình mới, cách làm hiệu quả theo đúng tinh thần khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Đảng ta đã đề ra”, Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định 44 chính sách cụ thể thuộc 7 nhóm lĩnh vực lớn gồm: (1) Quản lý đầu tư; (2) Tài chính ngân sách; (3) Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (4) Thu hút nhà đầu tư chiến lược; (5) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Tổ chức bộ máy của Thành phố; (7) Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trong các chính sách nêu trên, có một số chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; một số chính sách đã được Quốc hội quyết định cho áp dụng thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố; một số chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số chính sách mới, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để thành phố phát triển, có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà còn cho cả vùng, cả nước.
Đồng thời, trên cơ sở làm rõ những thách thức mà thành phố đang đối mặt thời gian qua, dự thảo Nghị quyết cũng đã tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần có sự đột phá.
Không cứng nhắc với các hợp đồng BOT, BT
HoREA cho rằng, không nên “áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu” để tránh xảy ra “xung đột lợi ích” giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường BOT phải “trả phí”, tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” trong xã hội, mà nên “thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư”.
Nhiều cơ chế đặc thù của TP được đề xuất trong dự thảo mới được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Thành phố cũng cần được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT, trong đó có dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án không gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong Hợp đồng BT…”.
HoREA cũng đề nghị Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét nên “luật hoá” điểm d, khoản 3, Điều 4 Dự thảo Nghị quyết trên cơ sở xem xét có thể dừng thực hiện hoặc bãi bỏ điểm d, khoản 5, Điều 101, Luật PPP 2020 và giao Chính phủ quy định “thí điểm” theo cơ chế thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT trên cơ sở nội dung điểm d, khoản 3, Điều 4, Dự thảo Nghị quyết mà Hiệp hội góp ý trên đây để áp dụng chung trong cả nước, đồng thời xem xét xây dựng đồng bộ các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng dự án theo hình thức Hợp đồng BT.
Gỡ vướng trong thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư
HoREA đề nghị bỏ nội dung điểm b, khoản 3, Điều 4 Dự thảo Nghị quyết do khoản 5, Điều 33, Luật Đầu tư 2020 đã giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này” nên Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc “tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp với quy hoạch chung” trên cơ sở Chính phủ sửa đổi điểm c, khoản 7, Điều 31, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và do không “vướng Luật Đầu tư” nên không cần thiết quy định cơ chế này trong Dự thảo Nghị quyết hoặc xem xét sửa đổi khoản 3, Điều 33, Luật Đầu tư 2020 theo hướng quy định chi tiết hơn để áp dụng chung trong phạm vi toàn quốc.
HoREA cho rằng, cần nhận diện rõ vướng mắc về “nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị” không phải do “vướng Luật Đầu tư” mà do ”vướng” điểm c, khoản 7, Điều 31, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ; hơn nữa, khoản 3, Điều 33, Luật Đầu tư 2020 giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này” nên không cần thiết quy định cơ chế này trong Dự thảo Nghị quyết. Do vậy, theo tư tưởng chỉ đạo “sai đâu thì sửa đó”, “sai ở cấp nào thì cấp đó sửa”, “làm đúng vai, làm tròn vai, làm đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh” thì chỉ cần Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 7, Điều 31, Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho cả nước, chứ không phải chỉ là khó khăn, vướng mắc riêng của TP. Hồ Chí Minh, nên không cần thiết quy định trong Dự thảo Nghị quyết.
Hiệp hội cũng nhận thấy, thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” chỉ là thủ tục khởi đầu của “chuỗi” quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại do doanh nghiệp tư nhân đầu tư nên việc bị “ách tắc” thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” dẫn đến “ách tắc” các dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại trong thời gian qua.
Cuối cùng, HoREA đề nghị không loại trừ dự án nhà ở thương mại được áp dụng “hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất)” và đề nghị không quy định điều kiện “Bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất” để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện cơ chế “Thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất)” để áp dụng cho trường hợp “Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được nộp tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.