Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 3 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024 | 10:5

Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng gắn với du lịch

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng gắn với du lịch trên hồ Thuỷ điện Hòa Bình phát triển nhanh, đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân.

Vì vậy, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững gắn với du lịch.

Tiềm năng lớn

Hồ Hoà Bình là một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích khoảng 8.900 ha, sức chứa 9,3 tỷ m3 nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề nuôi cá lồng có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2014, Hòa Bình mới có 1.700 lồng cá thì nay tăng lên gần 5.000 lồng, sản lượng trên 7.000 tấn/năm.

Nghề nuôi cá lồng phát triển ở hồ Hoà Bình không chỉ tạo ra sản phẩm cá, tôm sông Đà hấp dẫn với thực khách trong và ngoài tỉnh, mà còn là điểm nhấn thú vị để du khách có thể thăm, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản ngay tại nơi đặt các lồng cá, giữa mênh mông núi, sông kỳ vỹ.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.900 lồng cá, tập trung chủ yếu tại hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Cường Thịnh (TP. Hòa Bình). Ảnh H.Y.

Ông Bùi Văn Thụ (64 tuổi), xóm Mơ, xã Hiền Lương (Đà Bắc) gắn bó với nghề nuôi cá lồng ngay từ những ngày đầu “vén nhà theo con nước lên”. Lồng cá của gia đình ông nằm ngay phía mặt tiền của 2 điểm du lịch nổi tiếng là Xoan Retreat và Mơ Village. Mặc dù chỉ có 3 lồng cá, nhưng nếu tiêu thụ thuận lợi, không bị dịch bệnh, nghề nuôi cá đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.

Theo ông Thụ, cá lồng của gia đình nuôi hoàn toàn bằng cỏ, cá tép đánh bắt được từ lòng hồ nên không mất chi phí thức ăn. Từ khi Xoan Retreat và Mơ village được xây dựng và đi vào hoạt động, khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông hằng ngày nhộn nhịp khách chèo thuyền kayak.

Ngoài ra, cá nuôi của gia đình ông cũng có lần được 2 điểm du lịch trên mua để phục vụ du khách. Tuy nhiên, ông Thụ và những người nuôi cá ở đây mong muốn nhiều hơn thế. “Thỉnh thoảng có những đoàn khách từ khu du lịch ghé thăm xem chúng tôi cho cá ăn nhưng chưa nhiều. Chúng tôi mong muốn được liên kết với khu du lịch để phát triển nghề nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Thụ bày tỏ.

Gia đình anh Phạm Hùng Sơn, xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) có quy mô nuôi cá lồng lớn hơn, với hàng chục lồng cá, mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục tấn cá. Lồng nuôi được làm bằng kim loại nên chắc chắn, thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm nghề nuôi cá. Tuy nhiên, anh Sơn cũng cho biết, chưa có nhiều đoàn khách đến tham quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình. Phần lớn khách đi du lịch, chiêm bái tại đền Bà Chúa Thác Bờ được các nhà thuyền chở vào các đảo để ăn uống.

Còn ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc), gia đình ông Lý Văn Thân, xóm Lau Bai đã nuôi cá lồng hàng chục năm. Mấy năm trước, ông đã nảy ra ý tưởng vừa nuôi cá, vừa làm dịch vụ phục vụ ăn uống trên nhà nổi ngay tại khu nuôi cá lồng. Ông đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để làm nhà nổi phục vụ khách du lịch.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015-2023, nghề nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình phát triển rất nhanh, từ hơn 2,3 nghìn lồng lên gần 5 nghìn lồng cá. Hiện nay, trong Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của khách du lịch khi đến hồ Hòa Bình, nhiều hộ đã phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, có khoảng  20 hộ nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình đã đăng ký loại hình hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.

Kỳ vọng giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng, đón 1,6 triệu lượt khách/năm

Để tận dụng tiềm năng, tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình sẽ xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình, không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện.

Phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với du lịch là hướng đi được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Ảnh chụp tại xã Hoà Bình (TP. Hoà Bình). Ảnh: VĐ.

Cụ thể, số lồng nuôi thủy sản ở hồ Hòa Bình vào khoảng 10.000 lồng, sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch. 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

Nuôi trồng thủy sản hồ Hòa Bình sẽ kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1,6 triệu lượt khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.

UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo đề án. Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án định kỳ hàng năm và 5 năm. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thực hiện các dự án ưu tiên thuộc đề án được phân công. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi đáp ứng nhu cầu, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tổ chức phát triển các mô hình nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa gắn với du lịch. Hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm như công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Bifloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín... để tăng năng suất, tăng giá trị sản xuất thủy sản.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xây dựng bản đồ số hóa dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nguồn nước các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn, tích hợp vào hệ thống dữ liệu quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia nhằm phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, truy xuất dữ liệu về môi trường. Chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát, phòng chống các loại dịch bệnh thủy sản nguy hiểm theo quy định cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền và Tổ chức Thú y thế giới trên đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top