Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 8:0

Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang: Nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn

Giai đoạn 2024-2025, Bắc Giang phấn đấu trồng 3.317ha rừng gỗ lớn, dự kiến chuyển hóa 5.783ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Đến nay, tỉnh đã trồng 1.106,8ha rừng trồng gỗ lớn, đạt 68,4% kế hoạch; phấn đấu năm 2024 trồng 1.619ha rừng gỗ lớn.

Tham gia trồng rừng gỗ lớn, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang thực hiện 4 mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1 trên địa bàn 3 huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn. Đây là hành động thiết thực để cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xanh của tỉnh.

Giàu lên từ rừng

Những năm gần đây, từ trồng rừng, nhiều hộ dân ở Bắc Giang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng thành công NTM tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận (Sơn Động), cho biết, xã có 5.090ha đất tự nhiên, trong đó có hơn 3.000ha là rừng sản xuất, doanh thu đạt 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 60 triệu đồng/ha; nếu người dân tự trồng, chăm sóc, gần như giữ nguyên giá trị doanh thu. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 38% thì đến nay còn 23,5%; thu nhập bình quân năm 2015 đạt 18 triệu đồng/người, nay đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, lũy kế Bắc Giang đã trồng 1.106,8 ha rừng trồng gỗ lớn đạt 68,4% so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn Gà, xã Thanh Luận (Sơn Động) cho biết, gia đình hiện có 6ha rừng. Trước đây trồng cây ăn quả, chỉ được mấy năm đầu, về sau cây bị thoái hóa, bán không được giá, dẫn tới hiệu quả mang lại không cao. Trước thực trạng đó, gia đình chuyển sang trồng rừng, 4 năm cho thu hoạch, mang về 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 75 triệu đồng/ha. Nếu để 5 năm mới thu hoạch, giá trị đạt 120 triệu đồng/ha. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, mua sắm được các trang thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh (Lục Nam), cho biết: Xã có 2.700ha đất lâm nghiệp, trong đó 90% là rừng sản xuất. Trước kia, sử dụng giống cũ hiệu quả không cao, trồng 5-7 năm chưa được khai thác, chế biến lâm sản chưa phát triển. Từ năm 2015 đến nay, người dân phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh, cho ra sản phẩm chất lượng hơn, giá trị lớn hơn, trung bình đạt 150 triệu đồng/ha/5 năm. Trừ chi phí, lãi 80-90 triệu đồng/ha. Doanh thu từ trồng rừng của xã đạt 17-20 tỷ đồng/năm.

“Hiện, xã có 63 xưởng chế biến lâm sản, trung bình mỗi xưởng giải quyết 10 lao động địa phương, thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, có người thu nhập lên tới 16 triệu đồng/tháng. Từ phát triển rừng, chế biến lâm sản, nhiều hộ nghèo có rừng đã thoát nghèo, có điều kiện kinh tế khá, có hộ đã xây được nhà, có gia đình mua được ô tô. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt khoảng 41 triệu đồng/năm. Từ trồng rừng, bà con có nguồn lực tham gia  xây dựng NTM, nhất là đóng góp xây dựng đường giao thông trên 70km trong 2 năm 2018-2019”, ông Bình nói.

Được biết, trong tháng 7/2024, Bắc Giang khai thác 1.130ha rừng trồng tập trung, sản lượng gỗ khai thác được 132.702m3; khai thác từ cây trồng phân tán 1.184m3. Lũy kế, tỉnh đã khai thác 5.815ha rừng trồng tập trung, tổng sản lượng gỗ khai thác 730.150m3, đạt 73% kế hoạch, tăng 206.671m3 so với cùng kỳ năm 2023; khai thác từ cây trồng phân tán 12.170m3. 

Nhân rộng mô hình rừng gỗ lớn

Theo Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024-2025, tỉnh phấn đấu trồng 3.317 ha rừng gỗ lớn, dự kiến chuyển hóa  5.783ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tổng kinh phí hỗ trợ  27.402 triệu đồng. Trong tháng 7/2024, tỉnh trồng được 374,1ha rừng trồng gỗ lớn và 368,4ha chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, lũy kế đến nay  trồng được 1.106,8ha rừng gỗ lớn, đạt 68,4% kế hoạch; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 832,10ha, đạt 30%  kế hoạch. Tỉnh  phấn đấu năm 2024 trồng được 1.619ha rừng gỗ lớn.

Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang thực hiện 4 mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1”, với diện tích 65 ha.

Sau hơn 2 năm trồng đường kính của cây đạt từ 13-15 cm; vanh từ 42-45cm.

Là địa phương thực hiện mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1”, do Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang xây dựng, thực hiện, ông Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận (Sơn Động), cho biết, xã đăng ký trồng 19ha rừng gỗ lớn. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật. Đến nay, bước sang năm thứ 3, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ chết thấp, dự kiến hiệu quả sẽ cao hơn so với trồng thường. 

Rừng trồng 5-6 năm, giá trị đạt 60-80 triệu đồng/ha; 7-10 năm,  đạt khoảng 100-120 triệu đồng/ha; trên 10 năm đạt  hơn 150 triệu đồng/ha.

“Xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển từ khai thác rừng non sang rừng gỗ lớn, từ đó góp phần chống xói mòn đất, bà con đỡ vất vả hơn vì phải trồng nhiều lần. Trường hợp người dân cần vốn, vẫn linh động cho khai thác nhưng chuyển đổi sang vị trí khác để thay thế. Chủ trương 100% người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, ít nhất 10 năm mới thu hoạch, đến nay bà con đăng ký trồng trên 50ha. Đề nghị tỉnh cho nhân rộng mô hình,  hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật...”, ông Mừng cho hay.

Là gia đình tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn Gà, xã Thanh Luận (Sơn Động) cho biết, khi tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật  trồng 4ha. Khác với trước đây, mô hình trồng thưa, giống tốt, bón đúng thời điểm nên sau 2 năm 4 tháng trồng, tỷ  lệ cây sống cao, sinh trưởng tốt. Giờ đây, đường kính đạt 13-15cm; vanh  42-45cm. Gia đình cam kết để 8 năm mới thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh (Lục Nam), trên địa bàn xã đang thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn với diện tích 21,5ha do Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang xây dựng, thực hiện, hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc. Sau hơn 1 năm trồng, cây tăng trưởng, phát triển tốt. Từ mô hình này, xã tuyên truyền, định hướng bà con chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn để tạo ra sản phẩm có giá trị hơn. Rừng gỗ lớn nếu chăm sóc tốt trong 8 năm, hiệu quả kinh tế có thể cao cấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trồng thường.

Ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang, cho biết, để rừng cho hiệu quả, phải có thời gian trồng dài, do đó, trồng rừng gỗ lớn là giải pháp, hướng đi đúng, quan trọng nhất là bảo vệ môi trường.  Muốn để dân giữ rừng, trồng rừng gỗ lớn, cần tạo điều kiện, có thể có  diện tích khai thác sớm hơn, hoặc  ngân hàng cho vay vốn ưu đãi..., nói chung là cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

“Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang đã thực hiện 4 mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1”, với diện tích 65 ha, trên địa bàn 3 huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn. Nhờ hướng dẫn bà con lựa chọn cây giống chất lượng, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuẩn bị đất, trồng đúng thời vụ, đến nay, tỷ lệ cây sống đạt cao, chất lượng đồng đều, phát triển tốt hơn các mô hình trồng thuần khác. Hội đã bàn giao cho địa phương quản lý, cùng với đó vận động người dân không khai thác sớm để nâng cao giá trị kinh tế”, ông Bình cho biết thêm.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top