Thời gian qua, các giống sắn ở Phú Yên bị bệnh khảm lá nhưng không có thuốc đặc trị nên lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho người trồng sắn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở KH&CN tuyển chọn và giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên”. Bước đầu, đề tài đạt được nhiều kết quả triển vọng.
Tín hiệu tích cực
Tại Phú Yên, vào tháng 8/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phát hiện bệnh khảm lá virus hại sắn ở giai đoạn khoảng 3 tháng tuổi tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) với diện tích 10 ha, tỉ lệ hại 100% cây, trên giống HLS11. Đây là loại bệnh mới, không có thuốc đặc trị nên lây lan rất nhanh, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cây sắn. Sau khi phát hiện bệnh khảm lá virus hại sắn, chi cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tiến hành tổng điều tra các vùng trồng sắn ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân để tham mưu UBND tỉnh và các ngành chức năng có biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn tại Phú Yên.
Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp phòng trừ nhưng chưa hiệu quả. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN tuyển chọn và giao đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên”.
Hội thảo thực địa giới thiệu giống sắn mới tại huyện Sơn Hoà
TS. Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân, chủ nhiệm đề tài chia sẻ, sau khi đề tài được phê duyệt, thời gian triển khai trong vòng 36 tháng (từ tháng 10/2021 đến 10/2024), với tổng kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã chọn tạo, xây dựng vườn tạo giống sắn ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân); khảo nghiệm và trồng thí điểm ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa). Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã thu và xử lý hơn 10.000 hạt sắn lai của các giống sắn: KM419, KM440, KM539, KM568, KM539, KM537, KM534, KM94. Đây là nguồn gen di truyền tốt nhất hiện nay của Việt Nam và quốc tế, có khả năng kháng bệnh khảm sắn lá tốt. Hơn nữa, các giống sắn này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với các giống sắn được trồng phổ biến hiện nay ở Phú Yên. Qua trồng thí điểm, các giống sắn này đã cho những tín hiệu tích cực, thu hút nhiều nông dân đến tham quan và học tập…
Tìm ra nguồn giống sắn sạch
Bà Nguyễn Thị Yên trú thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, chia sẻ: “Hiện, nhà tôi đang trồng các giống sắn KM568, KM539, KM537 của nhóm nghiên cứu. Tôi nhận thấy các giống sắn mới này trồng không bị bệnh khảm lá, củ khá nhiều và năng suất cao. Tôi hy vọng sẽ sớm có được nguồn giống sắn sạch bệnh để giúp người dân nâng cao thu nhập”.
“Qua khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu sản xuất 7 giống sắn tốt và xác định từ 1-2 giống sắn có năng suất tinh bột vượt hơn đối chứng 10%, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Phú Yên; nâng cấp cải tiến giống sắn chủ lực sản xuất KM 419. Nhóm cũng tạo được 5 tổ hợp sắn lai ưu tú có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, tích hợp được gen kháng bệnh hại virus khảm lá sắn. Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững, cũng như chuyển giao công nghệ mới về giống sắn, kỹ thuật chọn tạo giống sắn cho người dân và ngành Nông nghiệp”, TS. Mai cho biết thêm.
Người dân trồng giống sắn mới KM539 không bị bệnh khảm lá, củ khá nhiều và năng suất cao
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, để giải quyết triệt để bệnh khảm lá sắn, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải tìm ra được giống kháng bệnh để sớm đưa vào sản xuất. Trong đó, ưu tiên tuyển chọn và nhân rộng các giống sắn năng suất tinh bột cao, ít nhiễm bệnh hại và giám sát sâu bệnh; hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng giống sắn năng suất tinh bột cao ít nhiễm bệnh hại để cung cấp nguyên liệu trồng sạch bệnh…
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho hay, việc thực hiện đề tài khoa học này sẽ hình thành quy trình canh tác giống sắn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Thông qua đề tài, cơ quan chức năng cũng sẽ đánh giá về năng suất, hàm lượng tinh bột cây sắn trồng trên địa bàn để đưa ra sản xuất đại trà. Việc triển khai thực hiện đề tài tuyển chọn, nhân giống một số giống sắn kháng bệnh khảm lá cho năng suất cao, phục vụ canh tác sắn bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Yên là điều cần thiết. Bởi nhờ đó mới góp phần giải quyết tình trạng sắn bị bệnh khảm lá cho năng suất, hàm lượng tinh bột kém trong những năm gần đây.