Sau gần 3 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Tấn Lợi ở thôn Xuân Bình, xã An Xuân (Tuy An - Phú Yên) đã sở hữu hơn 200 con chim trĩ, thỏa niềm ấp ủ bấy lâu về phát triển kinh tế gia đình từ vật nuôi mới này.
Dễ nuôi
Theo anh Lợi, trước đây anh làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng với niềm đam mê nuôi chim trĩ, hàng ngày, lúc rảnh rỗi, anh lại nghiên cứu trên mạng internet và qua sách báo về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi loại chim này. Năm 2020, có chút ít vốn, anh mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại và mua 10 cặp giống về nuôi thử nghiệm. Lúc đầu vì ít kinh nghiệm nên anh gặp thất bại, con giống chết hơn phân nửa do thay đổi môi trường sống đột ngột. Không nản chí, anh mày mò tra cứu hướng dẫn nuôi chim trĩ và khăn gói đến các trang trại nuôi thành công để học hỏi kinh nghiệm.
Không phụ người nuôi, đàn chim trĩ dần thích nghi với điều kiện sống và phát triển tốt. Sau hơn 1 năm, đàn chim bắt đầu sinh sản. Lúc này, anh quyết định mở rộng chuồng nuôi lên hơn 100m2 gồm các dãy chuồng nhốt con trống và con mái riêng, khu úm chim mới nở. Khu nuôi chim trĩ thương phẩm, anh dùng lưới thép B40 che chắn, phía trên lợp tôn nhằm tránh chim bay ra ngoài, bên trong có cây cho chim leo trèo. Tất cả ô chuồng anh đều dùng đệm lót sinh học để đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ và hạn chế mùi hôi, bảo vệ môi trường xung quanh và giảm công dọn dẹp chuồng trại.
Anh Lợi bên mô hình nuôi chim trĩ của gia đình.
Nói về nuôi chim trĩ, anh Lợi cho hay, An Xuân là vùng cao, quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ nên chim trĩ phát triển tốt, ít dịch bệnh. Chim trĩ gồm chim trĩ đỏ và chim trĩ xanh là loài có bộ lông đẹp, được nhiều người chơi chim cảnh yêu thích, hơn nữa lại có thịt thơm ngon. Thức ăn của chim trĩ cũng giống như gà, chủ yếu là cám trộn với bắp, gạo; chim trĩ ăn rất ít, không tốn nhiều công chăm sóc nên có thể tận dụng lao động nhàn rỗi của gia đình.
“Chim trĩ vốn là loài hoang dã, nên sức đề kháng tương đối cao, ít mắc bệnh. Những bệnh thường gặp nhất là bệnh về đường ruột và bệnh phổi nên phải thường xuyên theo dõi 2 loại bệnh này trên chim trĩ. Chim non nuôi 3-4 tháng có thể xuất bán thịt, khoảng 8 tháng thì cho sinh sản; mỗi năm chim sinh sản 2 đợt, mỗi đợt đẻ 50-60 trứng. Bình quân chim trĩ 8 tháng tuổi nặng tầm 1,4-1,7kg. Người nuôi cũng phải nắm kỹ thuật ghép đôi. Theo kinh nghiệm của tôi thì 1 con trống ghép với 4 con mái là vừa trong ô chuồng tầm 3m2 để tỉ lệ trứng có trống là cao nhất. Vì chim trĩ có tập tính đẻ trứng xong không ấp, do đó phải cho ấp bằng máy hoặc lấy trứng cho gà ấp”, anh Lợi cho biết.
Nhân rộng mô hình
Chỉ với số lượng nuôi ít ỏi ban đầu, sau gần 3 năm, đàn chim trĩ cổ đỏ, cổ xanh của gia đình anh Lợi đã tăng lên hơn 200 con, trong đó có hơn 50 cặp chim bố mẹ và hơn 100 con chim trĩ thương phẩm, chim trĩ con. Với giá bán một cặp chim trĩ làm giống 2 triệu đồng, chim trĩ 1 ngày tuổi 35.000 đồng/con, chim thương phẩm 250.000 đồng/kg, mỗi năm từ việc bán chim trĩ, anh Lợi thu lãi hơn 150 triệu đồng. Ngoài nuôi chim trĩ, anh Lợi còn đầu tư chuồng trại nuôi hơn 20 con chồn hương, 300 con gà và 3 bò lai sinh sản…, mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng/năm.
Nhận thấy mô hình chim trĩ hiệu quả, nhiều nông dân trong xã An Xuân cũng học hỏi để phát triển kinh tế. Tiêu biểu như gia đình anh Lê Văn Nam. “Chim trĩ là vật nuôi mới nên người dân còn rất bỡ ngỡ. Đầu năm 2022, sau khi được anh Lợi hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã mua 2 cặp chim trĩ giống để nuôi. Hiện đàn chim trĩ của tôi phát triển tốt và chuẩn bị vào mùa sinh sản. Tôi sẽ tiếp tục tăng đàn với số lượng dự kiến lên vài chục con”, anh Nam cho hay.
Theo anh Lợi, sắp tới, gia đình dự định mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi và đầu tư mua máy ấp trứng cho tiện theo dõi, đảm bảo tỉ lệ nở đồng đều nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ thương phẩm khá rộng mở của thị trường. “Tôi sẽ tăng số lượng chim bố mẹ để cung cấp con giống phục vụ bà con địa phương, đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên muốn khởi nghiệp”, anh Lợi bày tỏ.
Bà Lê Thị Vinh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân, nhận xét: Mô hình nuôi chim trĩ của anh Lợi bước đầu mang lại hiệu quả. Cùng công chăm sóc, chi phí thức ăn, nuôi chim trĩ có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại gia cầm thông thường. Do đó, nếu biết đầu tư đúng cách, nghề nuôi chim trĩ hoàn toàn có thể giúp bà con có thu nhập khá. Sắp tới, Hội sẽ có kế hoạch để hội viên, nông dân trong xã tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình này.