Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023 | 10:1

Khởi nghiệp với... dúi

Là thanh niên trẻ, ấp ủ trong mình hoài bão làm giàu trên quê hương, Phạm Hùng Nhật, ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân (Quảng Ninh - Quảng Bình), trở thành người tiên phong đưa con dúi về nuôi tại địa phương.

“Bén duyên” với dúi

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Hùng Nhật chọn cho mình con đường xuất ngoại - sang Nhật Bản theo hình thức vừa học vừa làm. Thời gian ở xứ người của Nhật cũng lắm gian nan, bởi sau 4 năm tích lũy kiến thức, vừa tìm được việc làm phù hợp thì dịch Covid-19 bùng phát. Bám trụ thêm một thời gian, Nhật quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Trường Xuân là xã miền núi, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn. Trồng cây gì, nuôi con gì để có thể phát huy hiệu quả trên vùng đất khó là điều mà Nhật luôn trăn trở. Trong một lần xem mạng xã hội, tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi, anh rất thích và muốn “thử”. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghĩ là làm, anh khăn gói ra các tỉnh phía Bắc, tìm đến các trang trại nuôi dúi, để học hỏi kinh nghiệm.

Phạm Hùng Nhật, chủ trang trại nuôi dúi ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân.

“Trong gần 2 tháng, tôi đã đến nhiều trại nuôi dúi ở các tỉnh phía Bắc để “mục sở thị”. Mỗi trang trại tôi xin ở lại vài ngày để học hỏi và tìm hiểu cách nuôi ở mỗi địa phương, sau đó tiếp tục đến các tỉnh khác để tích luỹ thêm kiến thức”, Nhật chia sẻ.

Sau khi “bỏ túi” cho mình vốn kiến thức kha khá về nuôi dúi, cùng với sự động viên, khích lệ từ gia đình, Nhật bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi. Trên mảnh đất của gia đình, anh đầu tư xây dựng chuồng nuôi với diện tích 150m2 và mua 40 cặp giống về nuôi. Giống dúi Nhật chọn nuôi là dúi mốc, được đưa về từ tỉnh Quảng Ninh. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm cộng với sự chênh lệch về khí hậu ở các vùng miền dẫn đến dúi bị sốc nhiệt, nhiều con chết do viêm phổi.

“Khi phát hiện dúi bị viêm phổi, tôi rất hoang mang, không biết xử trí như thế nào vì chỉ mới nuôi được một thời gian rất ngắn. Cùng với kinh nghiệm thực tiễn học được, tôi dành nhiều thời gian trau dồi thêm kiến thức phòng chữa bệnh cho dúi từ các hội nhóm. Nhờ đó, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu”, Nhật chia sẻ.

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, Nhật cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động; vì dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào. Để dúi sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn “mát về mùa hè, ấm vào mùa đông”. Nuôi dúi quan trọng nhất là khí hậu, vì loài này dễ sốc nhiệt.

Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc dúi vì thời tiết ở Quảng Bình khá khắc nghiệt, mùa hè thì quá nóng, còn mùa đông thì quá lạnh. Dúi có thể chịu lạnh nhưng không thể chịu nóng, nhiệt độ để dúi thích nghi là 25-32 độ C. Tại các chuồng nuôi, Nhật đặt các máy đo nhiệt độ để có sự điều chỉnh hợp lý. Vào mùa hè, ngoài hệ thống quạt làm mát, anh còn đặt nhiều chậu nước xung quanh chuồng để giữ ẩm và làm trần chống nóng bằng lá cọ.

Nuôi dúi ít tốn chi phí và công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là tre, thân cây mía, hạt bắp… Tận dụng diện tích đất vườn, Nhật tự trồng các loại cây để làm thức ăn cho dúi. Mỗi ngày chỉ cho dúi ăn một lần vào chiều tối. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên khoảng 3 ngày dọn chuồng một lần. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ, đàn dúi của gia đình Nhật sinh trưởng và phát triển tốt. Sau gần một năm nuôi, từ những con dúi giống ban đầu, nay phát triển thành nhiều cặp dúi bố mẹ.

Hướng đến trang trại quy mô lớn

Hiện tại, đàn dúi của gia đình Nhật duy trì ổn định gần 60 con dúi bố mẹ. Không chỉ có kiến thức vững vàng về chăm sóc dúi, anh còn nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản. Mỗi chuồng nuôi anh đều đánh số, ghi chép cẩn thận. Nhờ nắm rõ đặc tính của từng con dúi bố mẹ nên quá trình ghép đôi, sinh sản và chăm sóc dúi con đều rất thuận lợi. Dúi sinh sản rất nhanh, một năm 1 con dúi mẹ đẻ khoảng 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 3-5 con. Sau khi sinh  khoảng 3 tháng là có thể đem bán làm con giống; dúi thương phẩm sau 6-7 tháng có thể đạt trọng lượng 1,2-2kg.

Nhật cho biết, thịt dúi rất ngon và bổ dưỡng nên trở thành đặc sản của nhiều địa phương. Vì thế giá khá cao, giá thành dúi thương phẩm dao động từ 550.000 đến 650.000 đồng/kg, con giống có giá 2,4-3 triệu đồng.

“Ngay từ khi bắt tay vào nuôi dúi, tôi đã ấp ủ dự định phát triển thành trang trại quy mô lớn, không chỉ bán dúi thương phẩm mà trở thành nơi cung cấp giống cho người dân. Hiện tại, có nhiều người hỏi mua dúi giống và dúi thương phẩm nhưng tôi không bán vì muốn tập trung nhân giống, mở rộng tổng đàn.

Dúi là loài vật dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Với quy mô hiện tại, trang trại của tôi có thể nuôi hơn 500 con dúi. Để làm được điều đó, bên cạnh ghép đôi nhân giống dúi mốc, tôi mua thêm giống dúi má đào về nuôi. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác”, Nhật chia sẻ.

Nhật dự định sẽ đẩy mạnh nhân giống dúi tại địa phương để cung ứng cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nuôi bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi dúi trên địa bàn. Từ đó hướng đến liên kết phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi dúi thương phẩm, để cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho hay: “Trang trại nuôi dúi của gia đình anh Nhật là mô hình nuôi dúi bài bản, có quy mô đầu tiên ở huyện. Mô hình mới nhưng rất tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hộ dân có nhu cầu nuôi dúi đến tham quan, học hỏi để nhân rộng, giúp người dân có thêm sự lựa chọn, đa dạng mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập”.

 

Lan Chi
Ý kiến bạn đọc
Top