Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 11 năm 2023 | 9:35

Khuyến nông Việt Nam: Hành trình 30 năm cùng nông nghiệp phát triển

Qua 30 năm (1993-2023) xây dựng và phát triển, khuyến nông Việt Nam luôn gắn bó cùng “tam nông”; gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp, từ đảm bảo an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản.

Trên hành trình đó, khuyến nông giữ vai trò chủ lực, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới, tạo nên dấu ấn sâu đậm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Dấu ấn nổi bật

Từ năm 2010 đến nay, ở Trung ương, hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn được thực hiện theo hình thức dự án khuyến nông với 483 dự án. Trong đó, khuyến nông trồng trọt với 254 dự án, quy mô hơn 2.000ha, 155 nghìn hộ tham gia; khuyến nông chăn nuôi có 79 dự án với hơn 350 con, 5.924 hộ tham gia; khuyến lâm với 52 dự án, quy mô 2.263ha, 12.400 hộ tham gia...

Với mục đích hướng dẫn nông dân sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, né tránh bất lợi thiên tai, khuyến nông đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong đó, mô hình lúa-cá được mở rộng và đạt gần 200.000 ha, bình quân lợi nhuận 60 - 80 triệu đồng/ha. Diện tích canh tác mô hình tôm-lúa hơn 200.000 ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu/ha/năm. Cả nước hằng năm có hơn 100.000ha chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây ăn quả, ngô, lạc, rau đậu các loại. Hiệu quả kinh tế của các mô hình cho thu nhập cao gấp 1,5 - 2,5 lần so với mô hình trồng lúa truyền thống.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Đến nay, hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai hơn 30 dự án về cơ giới hóa. Các mô hình tiêu biểu như: Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cánh đồng lớn; ứng dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; lò sấy lúa công suất 30 - 50 tấn/mẻ; ứng dụng mạ khay máy cấy; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình phun sạ lúa...

Phong trào ứng dụng cơ giới hóa góp phần tăng năng suất lao động từ 5 đến 20 lần, khắc phục tình trạng thiếu lao động; giảm 20 - 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 đến 40% so với sản xuất đại trà.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn đại biểu tham quan các gian hàng của các đơn vị Khuyến nông trên toàn quốc.

Thay đổi tư duy người chăn nuôi

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi đã có nhiều đóng góp thông qua việc chuyển giao khoa học công nghệ cùng với xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi tiên tiến; hệ thống khuyến nông đã và đang tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững tại nhiều địa phương trong cả nước.

Chăn nuôi trâu, bò là nghề truyền thống gắn chặt với nền sản xuất lúa nước và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Từ kết quả dự án “Khuyến nông cải tạo đàn bò Việt Nam” (năm 1995 - 1998), Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai thành công chương trình Zebu hóa đàn bò tại 27 tỉnh, thành. Chương trình đã góp phần tăng nhanh về quy mô đàn bò, từ 3,2 triệu con năm 1990, đến nay phát triển lên gần 6,4 triệu con. Chất lượng đàn bò được nâng lên đáng kể, tỷ lệ bò lai trên phạm vi toàn quốc từ 12% (năm 1995) tăng lên 30% (năm 2005), 56,65% (năm 2015), trên 65% (hiện nay).

Chăn nuôi lợn, chương trình nạc hóa đàn lợn góp phần làm tăng số lứa đẻ từ 1,7 lứa lên 2,3 lứa/nái/năm; tăng số lợn con cai sữa từ 7 con lên 11,5 con/nái/lứa. Tỷ lệ nạc được cải thiện từ 30 - 36% ở các giống nội lên 50 - 62% đến ở các giống lợn ngoại, lợn lai ngoại. Từ năm 2009 đến nay, chăn nuôi lợn phát triển mạnh thông qua chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn, từng bước chuyển mình từ lượng sang chất thông qua nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAHP…, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi gia cầm, đã chuyển giao và đưa giống gia cầm như: Ri lai, Mía lai, Chọi lai, MD… vào sản xuất, năng suất đạt khá cao, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng; giống vịt siêu thịt V52, V57, VSM6… có năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các mô hình khuyến nông chăn nuôi gia cầm áp dụng giải pháp đồng bộ từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nông hộ và trang trại chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế tăng 11-17,5%, lợi nhuận tăng 3-7 triệu đồng/1.000 gà thịt so với chăn nuôi truyền thống.

Lấy nông dân là trung tâm phát triển

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, thời gian tới, hệ thống khuyến nông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, đội ngũ khuyến nông cộng đồng - những người gắn bó, đồng hành với nông dân trên mọi miền đất nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

“Để hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình, mỗi người cán bộ khuyến nông cần thấm nhuần tư tưởng: “Muốn thay đổi nền nông nghiệp, trước hết và trên hết là cần hỗ trợ để chính người nông dân thích ứng với sự thay đổi, sẵn lòng và chủ động thay đổi”. “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. Đó không phải là khẩu hiệu mà phải thực sự khắc ghi vào tâm thức của những người làm công tác khuyến nông. Đội ngũ cán bộ khuyến nông đến với bà con nông dân bằng cả trái tim, đến không chỉ vì nhiệm vụ cao cả mà còn là bổn phận, đến vì thấy mình nên đến, cần đến và phải đến”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhận xét: "Hệ thống khuyến nông đã làm tốt việc chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, canh tác giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.Đội ngũ khuyến nông luôn bám sát địa bàn, gắn bó với bà con nông dân, chia sẻ những khó khăn, hướng dẫn phát triển sản xuất và làm giàu...

Gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo Thứ trưởng, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, hoạt động khuyến nông có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước hết là cụ thể hoá chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Trong đó, nhiệm vụ đặt ra đối với khuyến nông là “Lấy nông dân là trung tâm của mọi hoạt động của hệ thống khuyến nông, nâng cao phúc lợi cho nông dân và cư dân nông thôn, tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”.

Để hệ thống khuyến nông Việt Nam hoạt động hiệu quả, tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam định hướng: Trước hết, cần đổi mới tư duy khuyến nông, lấy người nông dân làm trung tâm của mọi hoạt động khuyến nông theo phương trâm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa, trong đó khuyến nông Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy vai trò khuyến nông cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, hợp tác xã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người nông dân.

Mở rộng quy mô hoạt động của công tác khuyến nông theo hướng đa phương thức tiếp cận, tiếp cận từ dưới lên, tiếp cận theo các chương trình mục tiêu chiến lược, tiếp cận theo chương trình công nghệ số, đa phương tiện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên hỗ trợ các chủ thể nông dân thuộc diện chính sách, dân tộc và thuộc diện nghèo yếu thế trong xã hội…

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top