Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), nếu thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý để rồi giao lại phần đất 20% này cho nhà đầu tư thì không thống nhất và không phù hợp với mục đích của Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, trong đó có quy định thực hiện phương thức “thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư”. Bởi lẽ, Luật Đất đai qua các thời kỳ đều không quy định Nhà nước thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư mà không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Theo ông Lê Hoàng Châu: “Quy định “80% người dân đồng ý” là chưa chặt chẽ, bởi lẽ “80% người dân đồng ý” có thể chỉ chiếm phần nhỏ diện tích dự án; trong lúc “20% người dân không đồng ý” có thể chiếm tỷ lệ diện tích lớn hơn”
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 cho nội dung ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng còn 20% chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, như vậy là không được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để thu hồi đất. Quy định như vậy là chung chung, không đúng chủ trương của Trung ương.
Nhiều dự án đang đứng do không thỏa thuận được trong quá trinhg giải phóng mặt bằng
Do đó, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục thực hiện phương thức tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại để tạo lập quỹ đất đầu tư, do nhà đầu tư đã tự nguyện lựa chọn phương thức này.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét thực hiện một trong 2 giải pháp để xử lý sau:
Cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh ranh đất dự án trong phạm vi phần đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Trong trường hợp không thực hiện được giải pháp 1 thì đề nghị Nhà nước thực hiện quy định đối với “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”, đặc biệt là thực hiện phương thức “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, hoặc phương thức người sử dụng đất “góp quyền sử dụng đất”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.