Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 12 năm 2022 | 10:29

Kiên trì gây dựng mô hình làm giàu

Cựu chiến binh (CCB) Hồ Thanh Tùng (57 tuổi, KP.Trung Tâm, P.Xuân Lập, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã trở thành gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Ông đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vượt khó và vươn lên làm giàu trên quê hương bằng mô hình nuôi gà đẻ trứng.

Gây dựng mô hình

Trang trại của ông Tùng ở trên khu đồi rẫy rộng hơn 2ha và nằm biệt lập với khu dân cư. Các khu chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng thoáng theo quy mô công nghiệp, bao gồm: hệ thống cung cấp nước uống và thức ăn tự động, điện chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí bảo đảm ấm vào mùa mưa và mát vào mùa khô. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường bảo đảm nên đàn gà của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Tùng kể, năm 1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đăng ký đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 12/1987, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và xin đi làm công nhân. Tuy nhiên, công việc cực khổ, lương lại thấp, cuộc sống không đảm bảo nên ông chỉ làm trong vài năm rồi nghỉ. Năm 1998, vợ chồng ông quyết định đầu tư chuồng trại nuôi gà thịt.

CCB Hồ Thanh Tùng (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm về mô hình nuôi gà đẻ trứng.

“Mọi sự khởi đầu nan”, thời gian đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc đàn gà nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hơn nữa, trong 2 năm 2003 - 2004, dịch cúm gia cầm liên tiếp xảy ra, đàn gà của ông bị tiêu hủy toàn bộ. Tuy nhiên, với ý chí của anh “Bộ đội cụ Hồ”, ông quyết không bỏ cuộc mà luôn tìm mọi cách để gây dựng lại mô hình nuôi gà.

Năm 2005, vợ chồng ông Tùng đem giấy tờ nhà, đất thế chấp ngân hàng và vay 30 triệu đồng (tương đương với 10 cây vàng lúc bấy giờ) để tiếp tục đầu tư  nuôi 10 ngàn con gà đẻ trứng với hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Lần này, ông thực hiện phương châm “chậm mà chắc” chứ không vội đầu tư ồ ạt để mau thu lời. Ông dành thời gian tìm hiểu thông tin trên sách, báo, tivi, rồi chủ động đi tham quan các mô hình nuôi gà hiệu quả để học tập, đúc kết kinh nghiệm. Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng đã giúp ông thành công.

“Trong 2 năm đầu, tôi chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để thuê 2 bác sỹ chuyên về dinh dưỡng và kĩ thuật về tận nhà chỉ dẫn cách chăm sóc đàn gà. Nhờ đó, tôi đã học tập được nhiều kiến thức bổ ích để sau này tự tin chăm sóc đàn gà khỏe mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Tùng tâm sự.

Làm giàu trên quê hương

Khi đã tìm ra “công thức” chăn nuôi gà hiệu quả, gia đình ông Tùng quyết định mở rộng quy mô trang trại, phát triển đàn gà từ 10 ngàn con ban đầu tăng lên hơn 18 ngàn con và duy trì ổn định hơn 17 năm qua. Mỗi ngày, đàn gà của gia đình ông đẻ 15 - 18 ngàn trứng, mỗi năm có hơn 5 triệu trứng gà xuất bán ra thị trường và thu lãi khoảng nửa tỷ đồng. “Hiện đầu ra của sản phẩm khá ổn định, cứ hai ngày có xe tải của khách hàng đến tận trang trại để lấy trứng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước”, ông Tùng bộc bạch.

Theo kinh nghiệm của ông Tùng, muốn cho gà có được thể trạng khỏe mạnh và đẻ trứng ổn định, to, chất lượng tốt, người nuôi phải quan tâm đến khâu chọn giống. Đồng thời, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên theo dõi biểu hiện của đàn gà, cho ăn đúng giờ và đủ khẩu phần dinh dưỡng. Đàn gà được tiêm vắc xin để phòng ngừa các loại dịch bệnh phổ biến theo định kỳ, khu vực chuồng trại cũng phải thường xuyên được tiêu độc, khử trùng và thu gom xử lý chất thải.

“Tôi có làm riêng một khu chuồng còn gọi là trạm xá để tách những con gà bị bệnh ra khỏi đàn và đưa đến đây cho tiện điều trị, theo dõi. Sau khi gà hết bệnh mới đưa trở lại đàn để hạn chế trình trạng lây lan dịch bệnh qua những con khỏe mạnh khác. Cách làm này đã giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh cho gà rất hiệu quả”, ông Tùng chia sẻ.

Không chỉ thu lợi từ trứng, gia đình ông Tùng còn bán phân gà cho các hộ làm vườn bón cho cây trồng; bán gà thương phẩm đối với những con đẻ trứng sau một thời gian dài  không còn đạt hiệu quả. Đến nay, mô hình nuôi gà đẻ trứng đã giúp ông có nguồn thu nhập tương đối cao, kinh tế gia đình ngày càng phát triển khấm khá, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm xe ô tô và lo cho các con ăn học đàng hoàng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại gà đẻ trứng của gia đình ông Tùng còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương và các vùng lân cận. Ông trả lương cho mỗi nhân công từ 9,5 đến hơn 10 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, ông còn thưởng tháng lương 13 cho lao động để họ có tiền ăn Tết.

Trong 5 năm qua, ông Tùng còn làm tốt vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi phường Xuân Lập. Ông đã đưa ra ý tưởng và tích cực vận động các thành viên đóng góp tiền, thành lập quỹ, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cho CCB có nhu cầu vay vốn làm ăn. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Hội CCB TP.Long Khánh Lê Văn Thành nhận xét: Hội viên  Hồ Thanh Tùng sau khi buông cây súng trở về đời thường với 2 bàn tay trắng, Tuy nhiên, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, anh Tùng luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, góp phần làm giàu đẹp quê hương. Anh đã trở thành hội viên điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Đặc biệt, anh luôn tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua của CCB  phường Xuân Lập cũng như TP.Long Khánh.

 

An Nhân
Ý kiến bạn đọc
Top