Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 3 năm 2024 | 10:43

Kinh tế vườn, trang trại tại Đại Lộc khởi sắc

Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), Nghị quyết 35 (NQ35) về phát triển kinh tế vườn, trang trại của HĐND tỉnh Quảng Nam đã tiếp thêm động lực giúp nông dân địa phương mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả.

Hai mô hình ban đầu

Nhờ được hỗ trợ giếng khoan và hệ thống tưới tự động, vườn cây của anh Trường ngày càng phát triển tốt.

Năm 2022, sau nhiều năm làm nhân viên thị trường cho một công ty, anh Đoàn Nhật Trường (thôn Thạnh Trung, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) nhận thấy công việc không ổn định nên quyết định về quê phát triển kinh tế. Được cán bộ nông nghiệp xã định hướng tham gia phát triển kinh tế vườn, trang trại theo NQ35 của HĐND tỉnh, anh Trường mạnh dạn đăng ký tham gia.

Từ quả đồi sau nhà chỉ trồng keo, hiệu quả thấp trước đây, anh Trường thuê máy móc san mặt bằng rộng gần 4.000m2 trồng các loại cây sầu riêng, bưởi da xanh, ổi. Sau gần 1 năm chăm sóc, vườn ổi đã cho trái, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng anh Trường nhìn thấy được hướng đi lâu dài.

Mô hình vườn bưởi xen canh cây dứa với hệ thống nước tưới tự động tại Đại Lộc.

Mô hình vườn bưởi xen canh cây dứa với hệ thống nước tưới tự động tại Đại Lộc.

“Tôi cải tạo khu vườn này hết gần 130 triệu đồng và cuối năm 2023 được Nhà nước hỗ trợ 56 triệu đồng xây dựng giếng khoan, lắp hệ thống tưới tự động và chỉnh trang vườn, xây dựng tường rào. Đây là nguồn tiếp sức rất lớn để tôi xác định hướng đi lâu dài với kinh tế vườn”, anh Trường nói.

Theo anh Trường, đất vườn nhà anh khô cằn, thiếu nước về mùa khô nên để trồng cây ăn trái là thách thức. Việc đào giếng khoan, đưa nước lên vườn với số tiền lớn anh khó thể thực hiện được nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh.

“Sáng dậy, tôi chỉ cần bật công tắc là hệ thống tưới tự động tưới đều cho vườn, cây đủ nước, phát triển tốt, nhất là vườn ổi đã cho thu hoạch. Bài toán về nước tưới được giải quyết giúp tôi thêm quyết tâm cải tạo, chỉnh trang, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên khu vườn này”, anh Trường chia sẻ.

Còn khu vườn rộng hơn 3.000m2 của anh Nguyễn Quang Vinh (thôn Thạnh Tân, Đại Chánh, huyện Đại Lộc) trước đây cũng chỉ trồng bạc hà, keo, nay được anh cải tạo thay bằng cây bưởi, ổi, dứa, mít theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Cuối năm 2023, khu vườn anh được hỗ trợ 47 triệu đồng (giếng khoan, hệ thống tưới và chỉnh trang vườn).

“Tôi có ý định phát triển vườn cây ăn quả từ khá lâu, nhưng sợ không có nước tưới và cũng không biết trồng cây gì phù hợp, mang lại giá trị kinh tế. Năm 2023, được địa phương định hướng, tôi quyết tâm cải tạo vườn. Nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước tôi không dám làm, vì không biết có đạt kết quả không khi nguồn vốn đầu tư ban đầu quá lớn”, anh Vinh nói.

Cần nhiều sự hỗ trợ từ các cấp

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc cho biết, khi có chủ trương triển khai Nghị quyết 35(NQ35), địa phương đã tuyên truyền, định hướng những hộ dân có đủ điều kiện đăng ký, hướng dẫn người dân lập phương án tham gia. Đến nay, toàn xã có 11 hộ dân tham gia và được hỗ trợ kinh phí hơn 530 triệu đồng để phát triển kinh tế vườn, trang trại theo NQ35.

Cán bộ nông nghiệp xã Đại Chánh hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn quả.

Theo ông Long, bước đầu, người dân đã khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước, có phương án trồng loại cây phù hợp, làm bờ rào. Ở đây khó nhất là nguồn nước, vì dưới lớp đất khoảng 1m là toàn đá, phải khoan rất sâu (khoảng 100m), kinh phí lớn nên bà con không dám đầu tư. Với NQ35, khó khăn về nước tưới được tháo gỡ, do vậy địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tham gia.

“Năm 2024, có hơn 50 hộ dân đăng ký, người dân tin tưởng hơn vào chủ trương của Nhà nước. Địa phương sẽ cố gắng định hướng, hỗ trợ, giúp bà con sớm tiếp cận các cơ chế từ nghị quyết và phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ”, ông Long nói thêm.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, địa phương triển khai mạnh NQ35 trong toàn huyện. Năm 2023, có 38 hộ đăng ký tham gia với tổng vốn hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng, trong khi kế hoạch phân bổ cho huyện là 2,5 tỷ đồng. Qua 2 năm triển khai có 82 hộ dân tham gia hưởng lợi từ nghị quyết (được hỗ trợ như giếng khoan, hệ thống tưới, vật tư và cải tạo, chỉnh trang vườn).

Theo ông Mẫn, việc triển khai NQ35 thời gian đầu gặp nhiều khó khăn nên địa phương đã vào cuộc để tháo gỡ giúp người dân tiếp cận thuận lợi các nội dung của nghị quyết. Huyện thành lập tổ công tác gồm các phòng ban liên quan xuống từng địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập hồ sơ, xây dựng phương án cải tạo vườn, phát triển kinh tế trang trại...

Với vướng mắc về đất đai, địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân có diện tích đất sản xuất đảm bảo sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, không vi phạm, UBND cấp xã xác nhận. Do vậy, người dân tin tưởng, phấn khởi đăng ký tham gia thực hiện theo NQ35 ngày càng nhiều hơn. Hy vọng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Đại lộc sẽ khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top