Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2022 | 19:4

Lai Châu: Xây dựng hướng đi nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp

Nhận thấy tầm quan trọng từ việc phát triển kinh tế nền nông nghiệp của địa phương, trong năm 2022, tỉnh Lai Châu đã xây dựng và thực hiện nhiều hướng đi đột phá từ tư duy cho đến cách làm với phương châm “Giao thông mở đường – Gắn thế mạnh từng vùng – Kết hợp du lịch cộng đồng”.

Giao thông đi trước mở đường

Phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình trọng điểm và nhiệm vụ đột phá mà tỉnh Lai Châu đề ra. “Giao thông đi trước mở đường”, Lai Châu chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các tỉnh khu vực để tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” (thực hiện từ năm 2021-2024; trong đó tuyến 1, kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 147km đường cấp III miền núi) được Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khởi công xây dựng tại thành phố Lai Châu. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá quan trọng về kết cấu hạ tầng giao thông của Lai Châu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các mặt hàng đặc trưng của địa phương được thông thương các tỉnh khu vực cũng như trong cả nước.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Đây là một trong những dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông quan trọng kết nối các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội-Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Nhờ đó, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của mỗi vùng của tỉnh.

Nhà thầu thi công tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua xã Bản Hon, huyện Tam Đường

Đến nay, toàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài trên 1.000km (trong đó quốc lộ 515km, tăng 2 tuyến; tỉnh lộ tăng 6 tuyến so với năm 2015) cơ bản được cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp VI miền núi; mặt đường được bê tông nhựa, láng nhựa. Hệ thống đường đô thị tăng thêm 36km, nâng tổng chiều dài các tuyến đường đô thị lên trên 185km. Đặc biệt, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa. Hệ thống giao thông nông thôn có tổng 5.300km.

Hệ thống đường đô thị của thành phố Lai Châu và thị trấn của các huyện đã và đang được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt; giao thông đô thị ngày càng khang trang, đáp ứng tốc độ phát triển theo quy hoạch đô thị của tỉnh. Đường giao thông nông thôn được đầu tư theo quy hoạch, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương

Điển hình phương châm là xã Pu Sam Cáp của huyện Sìn Hồ, đây là nơi sinh sống tập trung của dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm, chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương.

Sản xuất nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền xã Pu Sam Cáp xem là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy, ngay từ đầu năm xã đã giao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến các bản, xây dựng kế hoạch sản xuất, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Với cách làm này, tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm của xã đạt 462ha (tăng 57ha so với cùng kỳ năm trước); tổng đàn gia súc trên địa bàn xã có 456 con đạt 87% so với kế hoạch được giao; diện tích mặt nước ao nuôi thủy sản trên địa bàn xã có 3ha.

Ông Chang A Đề - Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp cho biết: Phát triển nông, lâm nghiệp vẫn là hướng đi chính của xã, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, xã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, triển khai áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các mô hình tạo ra sản phẩm có giá trị cao, cạnh tranh, tập trung vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên, lựa chọn các sản phẩm chất lượng, phù hợp điều kiện tự nhiên cũng như phương thức canh tác của bà con.

Người dân xã Pu Sam Cáp nhận giống khoai tây chất lượng cao phát triển cây trồng vụ đông

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế thì công tác bảo vệ tài nguyên rừng, tăng độ che phủ rừng tự nhiên, lấy đó làm nền tảng để duy trì phát triển ngành Nông nghiệp bền vững được xã đặc biệt quan tâm. Hiện, xã có diện tích tự nhiên là 5045,15ha, diện tích rừng 3.194,44ha. Tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 61,8%.

Xã triển khai, quán triệt sâu đến các bản, từng gia đình, đồng thời phân công đồng chí phụ trách bản phối hợp với trưởng bản, bí thư chi bộ đặc biệt là tổ chuyên trách xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó trong 9 tháng đầu năm không xảy ra cháy rừng, bà con tận dụng tán rừng để trồng thêm thảo quả mang lại thu nhập ổn định và thụ hưởng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, có vốn tái sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi V.A.C cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm.

Gắn với du lịch cộng đồng

Đó là hướng đi mới của xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) đã được triển khai thực hiện nhiều năm qua nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng ở địa phương. Từ đó, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con, hình thành những khu vườn sinh thái trải nghiệm hấp dẫn khách du lịch, tạo đà cho nông nghiệp phát triển song hành với du lịch để nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Bà chị Lê Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa cho biết, lợi thế lớn nhất của địa phương gắn phát triển nông nghiệp với du lịch chính là đồi chè xanh bát ngát. Vào dịp mùng 2/9 vừa qua, xã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc gắn với du lịch vùng chè xã Phúc Khoa năm 2022 với nhiều hoạt động sôi nổi như: thi hái chè, không gian thưởng trà, du lịch sinh thái vùng chè. Ngày hội đã thu hút khoảng 2.000 lượt du khách đến tham dự chụp ảnh và tham gia các hoạt động trên vùng chè.

Ở các khu đồi chè, người dân các bản tự đóng góp tiền xây dựng chòi cao, làm điểm view cho du khách đến chụp ảnh, ngắm được vẻ đẹp hoàn mĩ của toàn bộ vùng chè rộng hơn 500ha trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Tiến Lân - Trưởng bản Phúc Khoa chia sẻ: Bản làm chòi này cũng được mấy năm rồi. Hồi đó, theo định hướng của xã khuyến khích các bản làm chòi ngắm cảnh, trước mắt phục vụ nhu cầu của bà con, sau là hướng đến làm du lịch, bà con nhất trí, đóng góp hơn 20 triệu đồng để làm.

Từ khi có chòi này, bà con phấn khởi hơn, nhất là vào dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày tết có nhiều đoàn khách từ nơi khác về, lên chòi của bản chụp ảnh, giới thiệu vẻ đẹp du lịch đồi chè cho bản, cho xã. Chúng tôi vừa đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch ở các bản du lịch cộng đồng huyện Tam Đường. Tới đây, sẽ triển khai thêm một số mô hình vườn cây ăn quả kết hợp với vùng chè để thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.

Được biết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có của xã Phúc Khoa bao gồm: 398ha đất cấy lúa, trồng ngô; trên 500ha chè; 86ha cây mắc-ca; 28ha rau màu, 7ha cây ăn quả. Những năm qua, cây chè được coi là cây kinh tế chủ lực ở địa phương với sản lượng búp chè tươi đạt trên 5.400 tấn/năm, cho các hộ dân thu nhập mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ đã thoát nghèo từ cây chè.

Cán bộ xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) kiểm tra khu vực xây dựng điểm view tại vùng chè bản Phúc Khoa

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, xã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vùng sản xuất; huy động sức dân góp công, hiến đất để làm đường vùng chè, đường nội đồng các bản. Qua đó, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, vận chuyển các mặt hàng nông sản. Đến nay, trên vùng chè của các bản, đường giao thông được bê tông hoá, ô tô, xe máy lên tận nơi, tạo điều kiện cho các du khách đến.

Chị Hồng cho biết thêm: Hiện nay, xã đang triển khai làm công trình điểm view tại vùng chè bản Phúc Khoa gồm các hạng mục như: chòi ngắm cảnh trên cao, sân khấu, bãi đỗ xe với diện tích 1.000m2, tổng kinh phí đầu tư 700 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép. Tới đây, khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là điểm lý tưởng để xã thu hút và đón nhiều đoàn khách đến tham quan vẻ đẹp vùng chè; thưởng thức văn hoá văn nghệ, ẩm thực đặc sắc, độc đáo của các dân tộc trên địa bàn xã. Qua đó, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch.

Tương lai với những giải pháp cụ thể, sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân xã Phúc Khoa trong phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp địa phương, lượng khách du lịch đến với nơi đây ngày một đông; từng bước xây dựng Phúc Khoa trở thành địa chỉ du lịch ở huyện Tân Uyên với những điểm đến “hấp dẫn - thân thiện - an toàn”.

 

Vũ Cừ (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top