Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 6 năm 2023 | 18:45

Lãi lớn nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là tăng thu nhập gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích.

Nhiều mô hình hiệu quả cao

Cùng với bưởi da xanh, rau màu là cây trồng chủ lực của TX.Phú Mỹ - địa phương có diện tích rau lớn nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với gần 3.173ha, tập trung ở các xã Châu Pha, Sông Xoài và Tân Hải. Hàng năm, sản lượng rau xanh các loại của TX. Phú Mỹ đạt gần 70 ngàn tấn, trong đó 80% rau xanh cung ứng cho các địa phương trong tỉnh, 20% còn lại cung ứng cho các thị trường tiêu thụ lớn như TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Nam…

Nhờ áp dụng máy cấy lúa, nông dân HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh (huyện Long Điền) đã giảm được nhiều chi phí đầu vào, tăng năng suất cho cây lúa.

Hiệu quả kinh tế từ trồng rau, màu các loại cho thu nhập 500-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa và nhiều cây trồng khác, giúp thu nhập của người dân ổn định.

Ông Lê Quang Nam (xã Châu Pha) cho biết: Năm 2019, gia đình chuyển từ trồng rau truyền thống sang trồng rau trong 2 nhà màng trên diện tích 1.600m2. Mô hình này được liên kết với Công ty TNHH MTV 4K Farm. Với 2 nhà màng, mỗi năm  làm  8-10 vụ, sản lượng rau thu hoạch trung bình 2,5-3 tấn/1.000m2.

“So với trồng rau truyền thống, trồng rau trong nhà màng có lợi hơn nhiều. Đó là nông dân trồng rau không phải phụ thuộc vào thời tiết, quy trình chăm sóc rau từ khi xuống giống đến thu hoạch đều được kiểm soát, năng suất, đầu ra ổn định. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 15 triệu đồng/lứa/tháng, cao hơn từ 5-7 triệu đồng so với trồng rau truyền thống trước đây”, ông Nam cho biết thêm.

Trong khi đó, với đặc thù là 1 trong những vùng chuyên canh lúa lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Long Điền cũng khuyến khích nông dân áp dụng  kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ - giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - giảm lượng phân đạm. Tăng năng suất lúa - tăng chất lượng lúa gạo - tăng hiệu quả kinh tế) và “1 phải - 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận, 5 giảm gồm: giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch; giảm lượng giống gieo sạ; giảm phân đạm và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật). Mô hình này góp phần nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Cảnh Đạt, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, cho biết, HTX là đơn vị đầu tiên trong tỉnh áp dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên các cánh đồng lúa.

Bên cạnh đó, HTX áp dụng máy cấy lúa KUBOTA trong canh tác lúa. Với công suất cấy 4ha/ngày đã giúp nông dân giảm 50% kinh phí mua lúa giống (tương đương 15-20 triệu đồng/ha), giảm gãy đổ cho cây lúa, giảm 30% phân bón… so với phương thức truyền thống trước đây. Đồng thời, tạo độ sâu đồng nhất khi cấy và độ bám đất cao, giúp cây tăng trưởng nhanh.

Nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh

Các địa phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu luôn tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, triển khai nhiều mô hình sản xuất chất lượng cao, gắn với bao tiêu nông sản.

Bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX. Phú Mỹ, cho biết: “TX. Phú Mỹ đã xây dựng đề án nông nghiệp đô thị, chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, áp dụng các mô hình chuyên canh, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như xây dựng thương hiệu, chứng chỉ cho sản phẩm rau. Đồng thời tổ chức tập huấn cho người dân kỹ thuật canh tác mới, chuyển giao các giống mới để tăng năng suất”.

Còn tại huyện Long Điền, nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, HTX trong ứng dụng cơ giới hóa đã được triển khai như: chuyển giao máy cấy lúa, máy sạ hàng, vùi phân; máy san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser… Khi áp dụng các loại máy móc này giúp tiết kiệm 50-60% lượng lúa giống đầu tư cho 1ha đất canh tác nên chi phí lúa giống giảm 10-20 triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống, giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng khoảng 20%… so với gieo sạ truyền thống.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, các địa phương đã không ngừng đầu tư, hỗ trợ nông dân trong canh tác, sản xuất để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị nông sản trên thị trường và góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng, đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

 

Đông Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Top