Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023 | 9:51

Làm giàu nhờ đa canh trên vùng đất U Minh

Không chấp nhận cứ mãi khó khăn ở vùng đất rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Hồng Ánh đi nhiều nơi học hỏi mô hình mới để về địa phương thực hiện và nhanh chóng vươn lên khấm khá.

Gia đình ông Ánh nuôi thêm cá, nuôi ốc bươu để tăng thu nhập.

Tuy đã 80 tuổi nhưng hằng ngày ông Nguyễn Hồng Ánh ở ấp 12, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vẫn đi quanh khu vườn rộng 3ha của gia đình để tỉa cành những cây măng cụt chuẩn bị cho trái, lúc thì thu hoạch mít.

Ông Ánh cho biết, vườn mít Thái hơn 3.000 cây hiện nay là kết quả của việc ông đi học hỏi mô hình mới ở Bến Tre, Vĩnh Long. Bốn năm trước, khi đó bà con ở địa phương trồng lúa hay cây có múi thì ông Ánh quyết định mang 4.000 cây mít Thái về trồng. Ban đầu cũng có những khó khăn nhưng ông Ánh dần làm chủ được kỹ thuật để có được trái ngọt trên vùng đất phèn như hiện nay.

“Lúc mới trồng, do tôi chưa rành kỹ thuật nên thiệt hại mấy trăm cây. Sau đó, tôi học hỏi thêm, rút kinh nghiệm trong quá trình trồng, chăm sóc. Thực tế khi biết cách chăm sóc thì trồng mít không còn quá khó. Chủ yếu khi cây mới lớn, phải tỉa bớt nhánh phía dưới, bón phân để cây phát triển. Khi thu hoạch xong phải tỉa cành, nhánh để cây nhanh phục hồi, giúp vườn mít luôn tươi tốt” - ông Ánh chia sẻ.

Theo ông Ánh, hiện trung bình mỗi tháng gia đình ông Ánh thu khoảng 2 tấn mít, giá bán 7.000-10.000 đồng/kg. Huê lợi từ mít đang giúp gia đình ông Ánh có nguồn thu khá cao so với nông hộ khác tại vùng nông thôn huyện U Minh. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng cây mít hay gặp khó về đầu ra, do đó 2 năm trước ông tỉa bỏ những cây mít thoái hóa để trồng xen thêm măng cụt, bơ trong vườn.

Ông Ánh còn tận dụng ao trong vườn để nuôi cá, đặc biệt là ốc bươu để tăng thu nhập. Năm tới, măng cụt cho trái nên thu nhập của gia đình ông Ánh hứa hẹn sẽ tăng cao. Ngoài ra, gia đình của ông còn hơn 4ha tràm, mỗi chu kỳ 5 năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông Ánh nhanh chóng trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Thấy mô hình của ông Ánh hiệu quả, một số người dân địa phương thực hiện theo, nhất là mô hình trồng mít. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Ánh, vùng đất U Minh nói chung không phải vùng chuyên trồng cây ăn trái nên chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Đặc biệt, với cây mít, các tỉnh vùng trên phát triển nhiều, thương lái khi thiếu hàng mới tìm đến thu mua. Từ đó, dễ bị thương lái ép giá và giá mít cũng không ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Mô hình trồng mít khá mới ở địa phương, đã có một số hộ dân thực hiện thành công, sản lượng, năng suất đảm bảo, tuy nhiên đầu ra của trái mít chưa ổn định. Do đó, khi trồng mít bà con cần phải chú ý đến đầu ra”.

 

Hiếu Nghĩa/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top