Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 4 năm 2023 | 8:5

Làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp

Những năm gần đây, từ phong trào nông dân làm kinh tế giỏi, huyện Châu Thành (Tây Ninh) xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế đa dạng, làm ăn hiệu quả với nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình anh Phạm Hồng Vũ (sinh năm 1975, ngụ ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình) là một điển hình.

Phát triển kinh tế tổng hợp

Xuất thân trong gia đình thuần nông, lập gia đình năm 1999, vợ chồng anh Vũ không có việc làm ổn định, ngoài 3 công (1 công = 1000m2) trồng lúa không có lãi, phải đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống  khá khó khăn.

Năm 2015, được Hội Nông dân xã Trí Bình tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh chuyển đổi 3 công ruộng trồng lúa sang đào ao nuôi cá trê, ba ba; trên bờ trồng dừa xiêm; dành lại 1 công đất trồng cỏ nuôi dê.

Anh Vũ chăm sóc đàn dê của mình.

Anh Vũ chia sẻ, thời gian đầu gặp không ít khó khăn, do thiếu vốn đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, nhất là sản phẩm chưa tìm được đầu ra mà chỉ bán lẻ.

Với nghị lực và quyết tâm làm giàu chính đáng, anh tích cực học hỏi kinh nghiệm qua các kênh thông tin khác nhau để áp dụng phát triển mô hình.

Nhờ năng động, cần cù, chịu khó, sau hơn một năm, mô hình kinh tế tổng hợp của vợ chồng anh Vũ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bán 5 con bò được gần 15 triệu đồng cùng số tiền tiết kiệm,  thu nhập từ bán cá, anh đầu tư gần 50 triệu đồng làm chuồng nuôi 25 con dê, dưới ao nuôi cá trê và thả hơn 1.000 con ba ba trơn.

Theo anh Vũ, nuôi dê nhốt chuồng không vất vả, lợi nhuận cao hơn một số vật nuôi khác. Dê chủ yếu ăn cỏ, lá cây, đây là những thức ăn được tận dụng ngay tại gia đình; mỗi ngày cho dê ăn 3 lần ( sáng, trưa, chiều). Tuy nhiên, ngoài việc am hiểu đặc tính của dê thì việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cũng rất quan trọng, chú trọng từ khâu làm chuồng đến theo dõi, chăm sóc đàn dê.

Chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tiêm phòng định kỳ vaccine ngừa bệnh truyền nhiễm cho dê. Mỗi năm anh bán 2 lứa, mỗi lứa 30 - 35 con, giá 100 - 120 ngàn đồng/kg, tuỳ theo trọng lượng. Trừ chi phí,  thu nhập từ nuôi dê khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm.

“Muốn nuôi ba ba thành công, nguồn nước phải sạch và thay nước 2 lần trong tuần để hạn chế ba ba nhiễm bệnh. Riêng 100 cây dừa xiêm xanh, phù hợp với vùng đất địa phương, phát triển khá tốt”, anh Vũ cho biết thêm.

Dừa xiêm là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc hơn nhiều loại cây khác, nhưng mang lại hiệu quả cao, chủ yếu phải biết cách phòng trừ sâu bệnh. Tận dụng phân dê để bón cho cây. Sau 3 năm, dừa bắt đầu cho trái; cho thu 3 - 7 triệu đồng/tháng từ bán trái dừa.

Hướng đi đúng, hiệu quả

Bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Bình, cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Vũ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bình quân gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Tới đây, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động nông dân trên địa bàn học tập, nhân rộng mô hình này”.

Sau nhiều năm duy trì thực hiện trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, anh Vũ nhận thấy, đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Thời gian tới, anh tiếp tục đào ao nuôi cá, trồng thêm dừa và mở rộng chuồng trại nuôi dê, dự kiến tăng lên 70 - 80 con.

Ông Mai Văn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trí Bình, nhận xét: “Từ hộ khó khăn, nay gia đình anh Vũ trở thành  hộ có kinh tế khá ở địa phương. Đó chính là thành quả của ý chí, nghị lực và những cố gắng không mệt mỏi của vợ chồng anh Vũ.

Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ là hướng đi đúng, hiệu quả, giúp cho nhiều hộ nông dân có cơ hội vươn lên làm kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

 

 

Tố Tuấn - Hà Quang
Ý kiến bạn đọc
Top