Tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, trừ chi phí, người trồng thu lãi khoảng 6 triệu đồng/sào/vụ. So với canh tác cây ngô, cây lúa thì thu nhập từ chuỗi liên kết dưa chuột cao gấp 3-4 lần, đặc biệt, đầu ra ổn định nên người dân yên tâm sản xuất.
Lợi nhuận cao
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (HTX Minh Tâm - Sơn Dương, Tuyên Quang), các đơn vị liên quan thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột. Khi tham gia ký hợp đồng chuỗi liên kết, người dân được cung ứng giống, vật tư, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định.
Tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột người trồng được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Lợi nhuận cao hơn canh tác cây ngô, cây lúa từ 3-4 lần/vụ.
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị liên quan, HTX Minh Tâm ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với trên 50 nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác tại 28 xã trên địa bàn tỉnh, quy mô 315ha (theo số liệu mới nhất đã đạt trên 420ha - PV). Năng suất bình quân đạt 49 tấn/ha, sản lượng đạt trên 15.500 tấn; giá bán bình quân 5.500 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt trên 87 tỷ đồng.
Điển hình có một số xã trồng dưa đạt năng suất, sản lượng cao như: xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) trồng 3,5ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 189 tấn, giá bán 8.000 đồng/kg, thu được trên 1,5 tỷ đồng/vụ; xã Kiến Thiết (Yên Sơn), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.235 tấn; xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 1.560 tấn.
Chị Ma Thị Nhường, Giám đốc HTX Nông sản chất lượng cao Trường Giang (xã Trung Sơn, Yên Sơn) cho biết, HTX liên kết sản xuất dưa với HTX Minh Tâm đã được 5 vụ. Vụ trước giá bán dao động 5.000-7.000 đồng/kg, còn hiện tại người dân đang bán 10.000 đồng/kg, có ngày lên tới 13.000 đồng/kg. Tính theo giá bán thấp nhất, mỗi sào (1 sào Bắc Bộ =360m2) dưa, trừ chi phí, lãi 6-7 triệu đồng/vụ. Giá ổn định như hiện nay chắc phải lãi 10 triệu đồng/sào/vụ. Mỗi năm người dân trồng 4 vụ, nhờ vậy mà có thu nhập ổn định, so với cây lúa, trồng dưa lãi hơn nhiều lần.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Minh Tâm cho biết, cây dưa chuột được HTX triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban đầu chỉ 3,5ha, năm 2021 đạt trên 180ha, năm 2022 tăng lên 240ha; kế hoạch năm 2023, HTX trồng hơn 300ha. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bình quân đạt 5.500 đồng/kg, năm năm 2022 trên 7.000 đồng/kg, bà con khá phấn khởi. So với cây lúa, cây ngô, lợi nhuận của cây dưa cao gấp 4-5 lần/vụ, chính vì vậy, bà con liên kết rất chặt chẽ với HTX, HTX cũng yên tâm sản xuất, đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, người nông dân từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh dưa chuột để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Phát triển bền vững
Theo ông Tuấn, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm dưa chuột khi đưa ra thị trường đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với HTX Minh Tâm, đảm bảo diện tích trồng dưa chuột hàng năm đạt trên 170 ha/năm trở lên.
Đặc biệt, phối hợp với cơ quan chức năng tư vấn cho các nhóm hộ tham gia chuỗi liên kết được tiếp cận các nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho cán bộ khuyến nông và người trồng dưa nhất là tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm; sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn PGS, VietGAP, hữu cơ... để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tăng cường theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột tại các hộ và đề xuất chế tài xử lý nghiêm đối với những hộ bán sản phẩm dưa chuột ra ngoài thị trường, không tuân thủ đúng hợp đồng ký với HTX. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin thị trường về giống, vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm,… Duy trì, phát triển mở rộng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột; đẩy mạnh kết nối “4 nhà”.
Ông Trần Văn Phúc cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có một số đối tác đầu tư vào trồng dưa nhưng họ chưa tuân thủ theo quy hoạch, họ nghe tiếng của HTX Minh Tâm làm ăn được, phát triển được nên len vào lấy danh.
Chẳng hạn, một số HTX, họ không đi độc lập, họ không phát triển vùng nguyên liệu vào các xã khác, hoặc họ trồng cùng mình thì không sao, nhưng họ trồng không có kế hoạch mà trồng len vào vùng nguyên liệu của mình, dẫn tới hiện tượng, cây dưa của họ cao, cây của mình thấp. Cùng họ dưa, khi bị lâm bệnh, cây dưa non bao giờ cũng bị bệnh, bị ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất. Đương nhiên mình bị thiệt hại, người dân họ không biết thiệt hại đó là do đâu, họ cho rằng HTX không sát về kỹ thuật. HTX kiến nghị, nếu doanh nghiệp nào vào trồng dưa phải theo quy hoạch, trồng ở những xã chưa có doanh nghiệp nào đầu tư, liên kết. Cũng theo ông Phúc, bây giờ làm sao liên kết bền vững, lâu dài cho bà con, đây là mấu chốt nhất.
Ông Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, khâu đột phá được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 116 liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, trong đó có ít nhất 76 chuỗi sản phẩm thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Bao gồm: 73 liên kết trong lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi có 34 liên kết; thuỷ sản có 06 liên kết; lâm nghiệp có 03 liên kết. Trong đó, phải kể đến chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2020 - 2022. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân địa phương, từ sản xuất truyền thống nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo cầu nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng NTM |