Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để phát triển các cây trồng hàng hóa có giá trị cao, trong đó có ớt chỉ thiên.
Mặc dù là vụ đầu tiên triển khai trên diện rộng, nhưng người trồng ớt phấn khởi vì được mùa, được giá.
Đến xã Trung Thành những ngày này, chúng tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh ruộng ớt chín đỏ nằm san sát nhau, bà con đang náo nức thu hoạch để kịp cân hàng cho doanh nghiệp.
Nông dân xã Trung Thành chăm sóc ớt.
Chị Vương Kiều Hạnh (thôn Đồng, xã Trung Thành) phấn khởi chia sẻ: Khi tham gia mô hình trồng ớt, gia đình tôi cùng các hộ dân khác được hỗ trợ về kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo giống đến khi thu hoạch quả. Đồng thời, doanh nghiệp tham gia ký kết cung ứng toàn bộ giống đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Khác với các cây trồng khác, ớt là loại cây có thời gian thu hoạch kéo dài. Khi ớt bắt đầu chín sẽ cho thu hoạch liên tục, thời điểm chín rộ, cứ 3 ngày thu hoạch một lần và mỗi lần gia đình thu được 60 - 100 kg.
Người dân xã Trung Thành phấn khởi vì ớt được mùa được giá.
Vụ đông xuân 2023- 2024, huyện Vị Xuyên liên kết với Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản T9 Thủ đô Hà Nội, Công ty Thuận Gia Thành tỉnh Tuyên Quang trồng 36 ha ớt, triển khai tại 9 xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ trả chậm (cho người dân vay 50% giá giống, chi phí mua phủ nylon và phân bón đến khi thu quả), hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, cung ứng giống, cách chăm sóc đến thu hái và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chính vì thế, bà con có thể yên tâm, không lo đầu ra của sản phẩm. Sau gần 5 tháng gieo trồng, đến thời điểm này, cây ớt đã cho thu hoạch. Năm nay, thời tiết ấm, thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển nên ớt được mùa.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên, cho biết: So với nhiều loại cây màu vụ Đông, cây ớt chỉ thiên đòi hỏi kỹ thuật cao hơn với các cây trồng như ngô, lạc, đậu tương, nhất là khâu chăm sóc. Tuy nhiên, cây ớt lại có tính ưu việt hơn, mỗi vụ trồng có thể thu hoạch được 5 lứa, kéo dài trong 4 tháng, giá doanh nghiệp thu mua tại ruộng 13 - 17 nghìn đồng/kg, dự kiến sản lượng đạt 20 tấn/ha. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt và sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ muốn đầu tư mô hình này.
Việc đưa cây ớt vào trồng là hướng đi mới nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, dần thay đổi thói quen canh tác manh mún của người dân sang trồng tập trung quy mô lớn, đưa các sản phẩm nông sản của địa phương trở thành hàng hóa, đặc biệt là để doanh nghiệp đứng ra liên kết với người dân, với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp hàng hóa của bà con sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đó, không để lãng phí nguồn đất đai, tránh thiệt hại cho người dân.