Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến bất thường tại các tỉnh miền Trung, nhiều địa phương dịch đã xuất hiện thêm những ổ dịch mới gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến việc tái đàn. Các biện pháp phòng chống dịch đang được thực hiện đồng bộ tại địa phương để ngăn chặn dịch bệnh.
Nhiều địa phương có dịch phải tiêu hủy đàn lợn với số lượng lớn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị hiện nay trên địa bàn đã ghi nhận 1.848 con lợn nhiễm bệnh, sau khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện vào ngày 26/10 tại xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) và xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đã liên tục bùng phát ổ dịch ở nhiều địa phương khác.
Tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu hủy trên 16 tấn lợn bị dịch tả lợn châu Phi
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, tại các xã như Triệu An (huyện Triệu Phong), Mò Ó (huyện Đakrông), Tân Long (huyện Hướng Hoá) và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) đã qua 21 ngày không phát sinh lợn bệnh.
Hiện nay, Sở NN&PTNN Quảng Trị cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống để cắt đứt nguồn lây.
Tại Thừa Thiên Huế, mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên Sở NN&PTNT đang phối hợp với địa phương tăng cường kiểm soát, giám sát, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường để phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh này cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn cấp, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống. Ngành thú y đề cao cảnh giác, hoàn toàn chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các huyện có nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi nhất là Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Hưng Nguyên... Đây cũng là những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Còn tại Hà Tĩnh từ ngày 10/11- 19/12/2023, địa phương này cũng đã tiêu hủy trên 16 tấn lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 11 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) làm 213 con lợn ốm chết.
Tập trung nhiều phương án dập dịch
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi chủ yếu do nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại (chăn nuôi nông hộ) vùng thấp trũng bị ngập lụt, môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, công tác kiểm soát mua bán, vận chuyển, giết mổ đôi khi chưa thực hiện đồng bộ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Phun hóa chất xung quanh trại chăn nuôi để phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An
Để làm tốt công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tại tỉnh Nghệ An đang triển khai cấp hóa chất dập dịch cho các địa phương. Mới đây nhất, trong Quyết định số 4283/QĐ-UBND ngày 22/12/2023, tỉnh Nghệ An đã cấp 5.000 lít hóa chất Han-Iodine 10% từ nguồn dự trữ quốc gia cho 7 địa phương phòng chống dịch bao gồm: Anh Sơn, TP. Vinh, Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương; trong đó huyện Yên Thành được cấp nhiều nhất với gần 1.500 lít.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài quyết định cấp 5.000 lít hóa chất mới đây thì từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp hơn 20.000 lít hóa chất từ các đợt trước để phân khai cho các địa phương phòng dịch.
Đối với vôi bột khử khuẩn, hiện nay, các địa phương đang tự trích kinh phí để mua hỗ trợ bà con. Ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Từ thời điểm tái xuất hiện dịch trên địa bàn, huyện đã trích 542 triệu đồng để mua vôi bột hỗ trợ cho toàn bộ các xã, kể cả các xã chưa có dịch để phòng dịch. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo các xã, người chăn nuôi tiếp tục chủ động mua thêm hóa chất, vôi bột để dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng chức năng ở Quảng Trị lập chốt kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Sở NN&PTNT).
Tại Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch tả lợn châu Phi, ngành thú y và các địa phương, đơn vị liên quan ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân; tập trung nhiều phương án khoanh vùng, dập dịch, tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêu hủy lợn ốm chết đúng quy định.
Tổ chức hội nghị bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh, tránh thiệt hại về kinh tế.
Cùng với việc tập trung vào công tác dập dịch, chính quyền tỉnh Quảng Trị còn tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y có hướng xử lý kịp thời. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan diện rộng.
Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất xử lý môi trường khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học…
Hiện nay, dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, lại vào thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội là rất lớn. Nếu chúng ta không kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh, nguy cơ bùng phát trở thành đại dịch là rất có thể, điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung ra thị trường, đồng thời làm thiệt hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi. Vì thế, rất cần các ngành và các đơn vị chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuyên truyền cho người chăn nuôi và các trang trại phải bảo đảm tuyệt đối an toàn công tác phòng trừ dịch bệnh.
Đồng thời, cũng phải xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợn nhiễm bệnh không tiêu hủy mang đi tiêu thụ. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi mới có hiệu quả.
Theo: baonghean, baothuathienhue, baoquangtri...