Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 11 năm 2022 | 18:39

Mô hình “Cây xoài nhà tôi”: Phương thức quảng bá đặc sản địa phương

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông do Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp tổ chức, chiều 30/11, đoàn đại biểu đã đi HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh), trong đó có mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình được đánh giá giúp quảng bá hình ảnh địa phương và giúp người nông dân tăng thu nhập.

Xoài được coi là một trong năm ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, tỉnh phát triển ngành này thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh.

TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh là 2 địa phương có diện tích trồng xoài nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp, với hơn 7.500ha, trong tổng số khoảng 12.000ha xoài toàn tỉnh.

Tại buổi thăm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thới (HTX Tịnh Thới), ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, chia sẻ: “HTX Tịnh Thới được thành lập ngày 7/10/2018 trên cơ sở từ hai Hội quán, với 178 thành viên, canh tác trên 120ha đất sản xuất với số vốn góp hơn 620 triệu đồng”.

Với đặc thù là vùng xoài, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài được xem là nhiệm vụ chủ lực của HTX. Thông qua các kênh phân phối như BigC, Co.opmart..., số lượng xoài được đưa ra thị trường lên đến vài trăm tấn mỗi năm.

Đoàn công tác thăm quan mô hình tại HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Tịnh Thới trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông @.

Đoàn công tác thăm mô hình tại HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Tịnh Thới.

HTX Tịnh Thới đặt mục tiêu đến năm 2025, việc sản xuất kinh doanh, đặc biệt kinh doanh trực tuyến đạt 20 – 30%. Để đạt được điều này, đòi hỏi phải tiếp tục ứng dụng  tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất như công nghệ tưới thông minh, điều này giúp giảm tối đa chi phí thuê nhân công trong quá trình canh tác.

Tại buổi thăm mô hình, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, cần phát triển mạnh dịch vụ chế biến, liên kết sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng cần được quan tâm.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các đề tài đã được nghiên cứu vào sản xuất; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và sơ chế xoài theo yêu cầu thị trường; nghiên cứu cải thiện độ phì đất liếp trồng xoài; nghiên cứu vật liệu sản xuất bao trái phù hợp với tiêu chuẩn và hạ giá thành; tập trung chế biến đa dạng hóa sản phẩm đóng hộp, đông lạnh, sấy, nước ép...

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” giúp quảng bá hình ảnh địa phương và giúp xã viên HTX Tịnh Thới nói riêng và người dân tỉnh Đồng Tháp nói chung tăng  thu nhập.

Được biết, diện tích trồng xoài của Tịnh Thới nói riêng và Đồng Tháp nói chung chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh với sản lượng hơn 130.000 tấn/năm.

Xoài ở Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã, diện tích 5.948 ha; 9 cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói...

Trong giai đoạn từ 2021-2030 và tầm nhìn năm 2050, ngành hàng xoài sẽ cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là kỹ thuật giống, sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến xoài, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời điểm hiện tại, xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, nhiều kênh phân phối, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc...

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh, gồm 2 giống xoài là xoài Cát Chu và xoài Cát.

Người dân Cao Lãnh còn khai thác thế mạnh của trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống thân quen như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.

Cùng với đó, mô hình “Cây xoài nhà tôi” đang được HTX Tịnh Thới nói riêng và nhiều HTX tại Đồng Tháp nói chung triển khai. Cụ thể, thông qua website http://xoaicaolanh.com.vn, khách hàng ở khắp mọi miền có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại... Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình  4-7 triệu đồng/cây.

Theo thỏa thuận, khi mua, trong suốt một năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số trái trên cây. Ước khách hàng có thể thu 100 - 150kg/cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg/cây (nếu mất mùa) và sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, người sở hữu "Cây xoài nhà tôi" còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc, tường tận cách chăm sóc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao.

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top