Chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn không chỉ nâng cao về giá trị, tận dụng tối đa các phế phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, do vậy, mô hình đang được các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi áp dụng, nhân rộng.
Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải
Trang trại của gia đình anh Dương Văn Thành, ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn là điển hình cho việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải trong chăn nuôi ở Tuyên Quang. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại rộng gần 2ha, được bố trí một cách khoa học, anh Thành giới thiệu: Khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi, khu vực nuôi bò, khu vực nuôi giun trùn quế và khu vực để chăn nuôi gia cầm riêng.
Theo anh Thành, việc nuôi trùn quế không chỉ giải quyết vấn đề phân bò thải ra môi trường mà còn tạo thức ăn sạch cho gà và lượng phân rất lớn bón cho nhiều loại cây trồng khác.
Anh Thành cho biết: Sau khi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi bò, gà thả vườn, trùn quế tại tỉnh Phú Thọ, năm 2018, tôi mạnh dạn đầu tư mua 50 con bò về nuôi vỗ béo. Để đàn bò phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi thiết kế hệ thống chuồng trại với diện tích 800m2, thoáng mát, hợp vệ sinh, đảm bảo tốt cho việc nuôi nhốt và vỗ béo của đàn bò.
Trước khi đưa bò vào nuôi vỗ béo, phải thực hiện tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định của cơ quan chuyên môn. Thức ăn cho bò ngoài rơm khô dự trữ, gia đình còn chủ động trồng hơn 1ha cỏ voi, VA06… để đảm bảo nguồn thức ăn cỏ tươi thường xuyên cho đàn bò. Đến nay, gia đình anh đang nuôi 60 con bò thịt vỗ béo/lứa (giống bò lai Sind và bò 3B), trung bình mỗi năm nuôi 2 lứa, sau 5 tháng vỗ béo, trung bình đạt 150kg/con, giá bán bò hơi là 85.000 đồng/kg.
Để tận dụng nguồn phân bò sẵn có, anh Thành đầu tư nuôi trùn quế trên diện tích 1.000m2; sử dụng phân trùn quế làm phân bón cho 1ha cỏ của gia đình và bán ra thị trường với giá 1.700 đồng/kg. Trung bình anh bán 8 tấn phân/đợt và 4 đợt/năm. Lượng giun trùn quế được anh sử dụng làm thức ăn cho 200 con gà thịt. Do chủ động được nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ nên đàn gà lớn nhanh, không bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Qua 4 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình anh Thành phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, môi trường sản xuất được bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ông Ngô Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, cho biết, xã hiện có trên 1.000 con trâu, bò, gần 3.000 con lợn và khoảng 300 nghìn con gia cầm. Với mục tiêu giải quyết vấn đề kinh tế và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường , thời gian qua, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân, các chủ trang trại áp dụng khoa học, công nghệ, xây dựng nhiều mô hình, đưa ra giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững.
Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn.
Điển hình như: Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi; sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như: trấu, mùn cưa, rơm, rạ, vỏ lạc… làm đệm lót sinh học; chất thải của quá trình chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi thủy sản… Nhờ vậy, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi quy mô lớn khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ông Tuyên cho biết thêm.
Tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” diễn ra mới đây, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu con, chúng ta có hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho hơn chục triệu hộ nông dân.
Ông Thắng nhấn mạnh, đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Kinh tế tuần hoàn cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành chăn nuôi với khối lượng chất thải vài trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí), mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để sử dụng cho hợp lý để đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Việt Hoài, nhà khoa học có nhiều sáng chế về xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về xử lý thu gom khí thải: Điều cần cho người nông dân, đó là tuần hoàn. Những yêu cầu đặt ra trong suốt chương trình, đó là giải pháp để xử lý chất thải của sinh học tuần hoàn. Nước ta là nước nông nghiệp, do đó chủ trương này là rất phù hợp và mang tính tất yếu.
Chất thải chăn nuôi gây ra khí CO2, gây ô nhiễm môi trường và làm giảm giá trị sản phẩm nông sản của Việt Nam nếu căn cứ với các tiêu chuẩn quốc tế. Về giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi, ông Hoài cho biết, đã sáng chế quy trình sản xuất phân vi sinh từ chất thải hữu cơ; quy trình sản xuất đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi; quy trình sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh.
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam Bộ, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật.
TS. Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc dẫn ví dụ về trùn quế, “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.
Cục Chăn nuôi mới công bố thêm ruồi lính đen - một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 1kg ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý 10kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Phân và ấu trùng ruồi lính đen được nhận định là nguồn nguyên liệu đầu vào hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về yến sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong quá trình nuôi yến, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ruồi lính đen trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Về quản lý chính sách, TS. Nguyễn Văn Bắc đưa ra một số đề xuất: Cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi tuần hoàn; để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có những buổi đối thoại doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.