Những năm gần đây, nông dân các xã chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) không ào ạt đào ao nuôi tôm công nghiệp mà phát triển mô hình lúa - tôm thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình “thuận thiên” này tuy lợi nhuận không cao nhưng rất bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Phát triển bền vững
Cuối tháng 5/2023, gia đình ông Phan Văn Chí (ấp An Bình, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) vẫn đang thu hoạch tôm sú quảng canh kết hợp với cua theo con nước hàng tháng. Cứ mỗi tháng 2 lần, gia đình ông xổ cống để thu hoạch tôm, cua bán được vài triệu đồng, đủ chi tiêu trong gia đình. Suốt mấy chục năm sản xuất lúa nhưng mấy năm nay ông mới thật sự an tâm với mô hình lúa - tôm theo kiểu “thuận thiên”. Trước đây, gia đình ông chỉ làm lúa 1 vụ, còn những tháng mùa nắng thì bỏ không. Bây giờ, toàn bộ diện tích gần 1ha được gia đình ông đào đất xung quanh để làm bờ bao và chỉ chừa phần giữa ruộng để trồng lúa, còn lại thì nuôi thủy sản.
Ông Chí cho biết: “Mô hình lúa - tôm tuy lời không nhiều nhưng bền vững do giữa tôm, cua và cây lúa hỗ trợ nhau phát triển. Sau Tết Nguyên đán, khi thu hoạch lúa xong, nông dân sẽ cho nước vào để nuôi tôm sú, cua. Khi đó, nguồn rơm, rạ sẽ là thức ăn cho tôm, cua nên đỡ tốn tiền thức ăn. Đến tháng 7 hàng năm thì thu hoạch hết tôm, cua để rút nước tiếp tục sạ lúa. Cây lúa còn nguồn phân từ tôm, cua nên giảm lượng phân bón. Cả hai sản phẩm thủy sản và lúa đều bảo đảm sạch nên bán được giá cao hơn”.
Năm 2022, Tổ hợp tác (THT) lúa - tôm ấp An Bình (xã An Nhơn) với 20 hộ đều có lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình này. Tổ trưởng THT lúa - tôm ấp An Bình Phan Văn Triệu cho biết: “Năm rồi cả THT hầu hết đều có lãi từ lúa, tôm. Tới thời điểm này, gia đình nào cũng thu được 10 - 20 triệu đồng từ bán tôm, cua theo con nước. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong ấp xin vô THT. Dự kiến năm nay THT sẽ tăng lên 30 thành viên. Khi đó, sẽ ký hợp đồng mua tôm giống, bao tiêu sản phẩm lúa với doanh nghiệp, chắc chắn hiệu quả kinh tế cho xã viên sẽ cao hơn”.
Gia đình ông Triệu có hơn 1,1ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm, năm nào cũng thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Ông Triệu cho biết: “Nhiều hộ dân thấy nuôi tôm công nghiệp lời nhiều nên nhảy vô nuôi nhưng rất bấp bênh vì dịch bệnh, giá cả. Một số hộ thua lỗ phải bán đất, đi làm thuê. Mô hình này không lợi nhuận cao so với nuôi tôm công nghiệp nhưng được cái là bền vững. Làm theo kiểu “ăn chắc, mặc bền” nên rất an tâm sản xuất”.
Thu hoạch lúa trong vùng nuôi tôm - lúa tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc.
Tại các xã khác của huyện Thạnh Phú như: Mỹ An, An Qui, An Thuận… cũng phát triển mô hình lúa - tôm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Năm nào cũng vậy, gia đình ông Đỗ Văn Phương (ngụ xã Mỹ An) thu hoạch lúa và sau đó thả ngay giống tôm càng xanh vào ruộng để nuôi. Với diện tích 1ha, nhiều năm liền đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Ông Phương cho biết: “Mô hình này rất phù hợp với điều kiện hạn mặn xâm nhập ở địa phương. Sản phẩm con tôm, hạt lúa đều sạch nên được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay, mô hình này sẽ phát triển bền vững”.
Hướng đến sản phẩm xuất khẩu
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú” cho 17 hộ dân thuộc THT lúa sạch Thạnh Phú xã An Nhơn. Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Thạnh Phú được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung xây dựng phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn.
Hợp tác xã Lúa - tôm Thạnh Phú sản xuất lúa sạch có hợp đồng bao tiêu giá ổn định với doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX lúa - tôm Thạnh Phú - Hồ Văn Cương cho biết: HTX hiện có 110 thành viên chuyên sản xuất theo mô hình lúa - tôm với diện tích khoảng 80ha tại xã An Nhơn. Đối với con tôm và cây lúa, đều có hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định. Hiện tại, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Hoa Nắng (chuyên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu) để bao tiêu sản phẩm lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ với giá 10.500 - 11.000 đồng/kg. Ngoài ra, thành viên còn sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6162, Nàng Keo, Tép Trắng…, bán giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg nên hiệu quả khá cao.
Hiện tại, xã An Nhơn có 1.783ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, với 819ha sản xuất lúa sạch. Phó chủ tịch UBND xã An Nhơn - Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Chính quyền địa phương đang hỗ trợ HTX đầu tư xây dựng kho chứa, nhà máy sấy, xay xát, đóng gói để cung cấp “Gạo sạch Thạnh Phú” ra thị trường nhằm giúp xã viên đạt lợi nhuận cao nhất. Địa phương đang làm thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú - Lê Văn Tiến cho biết: Toàn huyện có khoảng 6.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Gần đây mô hình này phát huy hiệu quả cao và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Trung bình nông dân thu lợi nhuận 70-100 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện tại, HTX, THT trên địa bàn đã liên kết với doanh nghiệp để cung ứng lúa sạch, lúa đạt chuẩn hữu cơ xuất khẩu. Trong đó, Công ty Hoa Nắng đang liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 300ha để sản xuất lúa hữu cơ xuất sang châu Âu và các nước khác.
Tỉnh Bến Tre luôn chú trọng nghiên cứu, áp dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để từng bước hình thành, phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, mô hình canh tác lúa chịu mặn, sản xuất lúa - tôm thích trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả và chứng minh được sự phát triển bền vững.