Cua Cà Mau nổi tiếng cả nước, cung luôn không đủ cầu. Khi con cua Cà Mau được công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2015 thì giá trị ngày càng được nâng cao, giúp người nuôi tăng thu nhập. Nuôi cua xen trong vuông tôm là mô hình cho hiệu quả cao, cần nhân rộng.
Lợi thế nuôi cua
Gia đình ông Lê Minh Luân (ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có 2,8ha nuôi tôm - cua kết hợp.
Ông thả xen cua trong vuông tôm quanh năm. Cứ 2 tháng lại thả thêm 3.000 - 4.000 con cua giống. Mô hình này giúp gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm; trong đó cua chiếm khoảng 40%. Bên cạnh tôm sú thì cua đang giúp kinh tế gia đình ông Luân ngày càng vững mạnh.
“Thả cua mà đạt đầu con được khoảng 35% là ổn. Khoảng 3 tháng thì tiến hành thu hoạch tỉa, chứ để dày quá không đủ thức ăn. Cứ lên cua Y, khoảng 250 g/con là bắt được. Nếu cua cái thì phải đợi đủ gạch nên lâu hơn, khoảng 5 tháng mới thu hoạch”, ông Luân chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Luân mà cả 15 thành viên trong Tổ hợp tác số 5 ở đây đều có nguồn thu đều đặn từ cua, với khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha/năm. Thuận lợi của nuôi tôm - cua kết hợp là giảm được chi phí, tốn ít công chăm sóc.
Người dân Cà Mau nhờ nuôi xen cua trong vuông tôm mà tăng thêm thu nhập đáng kể.
Trước khi nuôi cua, người dân địa phương chú trọng gia cố bờ bao chắc chắn bởi cua có tập tính chui rúc. Đặc biệt, cứ 3-4 ngày cho cua ăn 1 lần. Thức ăn chính là cá phi sống phổ biến dưới vuông tôm. Điều quan trọng nhất với người nuôi cua là chọn được con giống chất lượng và môi trường nước tốt sẽ đảm bảo thành công.
Ông Nguyễn Thanh Đoàn, người dân cùng ở xã Tân Hưng, chia sẻ: “Nuôi cua thì chủ yếu tốn tiền cua giống, thuốc xử lý môi trường thì khi nuôi tôm đã xử lý rồi, chỉ cần thả xen thêm cua thôi. Lời là lời cái không tốn tiền thuốc”.
Ngoài Cái Nước, các huyện có diện tích đất rừng ngập mặn lớn của Cà Mau như: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và Đầm Dơi đều có lợi thế để phát triển nuôi cua. Trong đó, nổi tiếng là huyện Năm Căn, đang sở hữu nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cuối năm 2015.
Nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” do Hội Thủy sản huyện Năm Căn quản lý, cấp cho các đơn vị, hộ gia đình có nhu cầu theo hình thức tem kèm mã vạch. Cua Cà Mau được dán tem, khi ra thị trường, người dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua mã vạch trên điện thoại thông minh.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Cua Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng gần xa và được tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Ngoài ra, cua Cà Mau còn được xuất sang Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,... Tuy nhiên, thực tế thị trường tiêu thụ cua Cà Mau chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19 vào năm ngoái và khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, giá cua Cà Mau bị tác động không tốt.
Thời gian qua, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để phòng chống dịch thì giá cua Cà Mau luôn duy trì ở mức thấp. Cua Cà Mau thường tăng giá mạnh vào dịp nghỉ lễ hằng năm.
Ông Dư Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), chuyên cung cấp nguồn cua xuất khẩu, cho biết, để con cua địa phương phát triển bền vững, vấn đề đầu tiên là cần nâng cao chất lượng con giống, tiếp theo là phải có thị trường xuất khẩu ổn định.
Theo ông Bình, thực tế khi Trung Quốc cần thì giá lên cao nhưng khi đóng biên hay không nhập hàng thì giá giảm rất thấp. Cua là mặt hàng có giá cao nhưng bị lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Con cua đang cần có thị trường xuất khẩu ổn định hơn, không lệ thuộc vào một thị trường thì mới phát triển được”.
Cà Mau có khoảng 250.000ha nuôi tôm - cua kết hợp. Sản lượng cua của tỉnh năm 2021 đạt khoảng 25.000 tấn. Trước đó đạt trên 20.000 tấn/năm. |