Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 2 năm 2023 | 14:2

Mở rộng nuôi thủy sản vùng mặn, lợ theo hướng hàng hóa: Nam Định khai thác sâu tiềm năng

Tận dụng tiềm năng sẵn có, các địa phương ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nuôi những đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Quy hoạch vùng nuôi

Năm 2022, trong tổng số 16.000ha nuôi thủy sản của Nam Định thì có 6.650ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ; sản lượng ước đạt 64.747 tấn, tăng 6,46% so với năm 2021. Các đối tượng chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao…, trong đó, tôm thẻ chân trắng được người dân quan tâm đầu tư với mức độ thâm canh ngày càng cao. Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 1.100ha, tăng 30ha so với năm 2021. Hiện toàn tỉnh có hơn 100ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, sản lượng ước đạt 4.100 tấn (tăng 5,81%).

Bên cạnh đó, các vùng nuôi ngao thương phẩm  phát triển ổn định với 2.350ha, sản lượng ước đạt 45.300 tấn, tăng 2,95% so với năm 2021. 

Người dẫn xã Hải Triều (Hải Hậu) cải tạo ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng.

Các loại cá như: bống bớp,  song (mú)… cũng là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với các vùng nuôi mặn lợ. Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng tiêu thụ chậm hơn so với các năm trước nhưng diện tích nuôi các loại cá này vẫn đạt 565ha; sản lượng ước đạt 5.790 tấn, tăng 12,36% so với năm 2021.

Tại huyện Nghĩa Hưng, thủy sản nuôi tập trung chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ngao và tôm sú tại các vùng nuôi như: Cồn Xanh, Nông trường Rạng Đông, vùng ven sông Ninh Cơ… Ở vùng nuôi Nông trường Rạng Đông, hàng năm tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 1.000 tấn. Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thâm canh cao.

Hộ ông Nguyễn Lương Bằng nuôi 2,5ha tôm thẻ chân trắng tại vùng Nuôi nông trường Rạng Đông. Để nuôi tôm đạt hiệu quả, ông chia thành những ao nhỏ với diện tích 500-1.000 m2/ao. Ao nuôi được thiết kế nổi, xây bằng bê tông, đáy lót bạt, giữa đáy được thiết kế ống hút chất thải của tôm (xi-phông đáy) đưa ra một khu ao thải (rộng khoảng 1.500m2) và được xử lý bằng chế phẩm vi sinh trước khi ra kênh thải của toàn khu nuôi tập trung. Việc quy hoạch vùng nuôi tập trung vừa giúp ông và các hộ nuôi thủy sản dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vừa tạo điều kiện giúp người nuôi quản lý nguồn nước vào ao.

Để đảm bảo an toàn cho ao nuôi, ông Bằng còn áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn cho các ao nuôi giúp tiết kiệm nước, tăng tỷ lệ sống của con nuôi, đảm bảo chất lượng con giống và không gây ô nhiễm môi trường. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản, những năm gần đây, sản lượng tôm thương phẩm của gia đình ông tăng cao. Mỗi năm ông thu hoạch trung bình 30 tấn tôm.

Hộ ông Trần Văn Quý ở xã Phúc Thắng thành công với mô hình nuôi cua biển. Thời điểm tháng 11 - 12 (âm lịch), ông bắt đầu thả giống cua và thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch) năm sau. Hiện gia đình ông có 12ha gồm cua biển xen canh với tôm sú và cá vược. Hàng năm, gia đình ông Quý thu hoạch được 6 tạ cua, thu hơn 150 triệu đồng; 2 tấn tôm sú và cá vược, thu trên 200 triệu đồng/năm. Vào dịp nghỉ lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao nên cua bán được giá cao hơn, lên đến 500-600 nghìn đồng/kg; hoặc vào tháng 5, tháng 6 là thời điểm cua nhiều trứng, bán cũng rất được giá. Còn ngày bình thường, giá cua dao động 250-300 nghìn đồng/kg. Trước kia, cua giống tự nhiên ở khu vực các bãi bồi ven biển, khu vực cửa biển, cửa sông rất nhiều nhưng do người dân khai thác bừa bãi làm nguồn cua giống dần cạn kiệt... 

Chủ động nguồn giống

Bên cạnh nuôi trồng thì sản xuất giống thủy sản mặn, lợ tại Nam Định tiếp tục phát triển với sản lượng đạt 14.575 triệu con, tăng 10,15% so với năm 2021. Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh sản xuất giống một số đối tượng nuôi mặn, lợ như: cua biển, cá hồng Mỹ, hàu Thái Bình Dương và hàu cửa sông. Ngoài ra, Trung tâm còn hợp đồng với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng giống như: Công ty TNHH Việt Úc, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam để nghiên cứu, ứng dụng quy trình thuần hóa tôm thẻ chân trắng giống từ kích cỡ nhỏ (P8) lên kích cỡ lớn (P15), đảm bảo cân bằng các yếu tố môi trường trong bể ương và ao nuôi. Năm 2022, Trung tâm đã thuần hóa 3 triệu con tôm sú, 20 triệu con tôm thẻ chân trắng, 15 vạn con cua biển, 5 vạn cá giống các loại, 2,5 tỷ con nhuyễn thể, 12 nghìn chùm hàu Thái Bình Dương…

Nuôi thủy sản ở vùng nước mặn, lợ đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động; thu nhập và đời sống của cư dân ven biển được nâng cao, góp phần đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng ven biển. Thời gian tới, để nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thủy sản nước mặn, lợ nói riêng phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến bộ về nuôi thủy sản giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan chức năng; các cơ sở nuôi thủy sản quan tâm đến những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi, kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản.Người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) cải tạo ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Thanh Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top