Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam vừa tổ chức nắm bắt công tác phát triển đàn bò sữa và hướng dẫn một số biện pháp chống nóng tại khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).
Công tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang duy trì ở mức ổn định, mặc dù chịu nhiều tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, môi trường chăn nuôi gặp nhiều bất lợi, tuy nhiên các hộ chăn nuôi bò sữa vẫn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì và phát triển đàn bò sữa trên địa bàn.
Để hỗ trợ, hướng dẫn các hộ chăn nuôi bò sữa tại khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa xã Mộc Bắc, Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Nam tổ chức nắm bắt công tác phát triển đàn bò sữa và hướng dẫn một số biện pháp chống nóng.
Đối với trại chăn nuôi bò sữa, cần phải có hệ thống làm mát strees nhiệt (quạt gió, hệ thống phun sương trong chuồng, phun nước trên mái ...), bố trí xây dựng chuồng che chắn nắng, trồng cây xanh quanh khu vực chăn nuôi (không trồng cây có nhiều hoa, mùi…thu hút động vật vào khu chăn nuôi) có đầy đủ hệ thống làm mát điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững.
Hà Nam nắm bắt công tác phát triển đàn bò sữa và hướng dẫn một số biện pháp chống nóng
Chăm sóc, nuôi dưỡng: Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao cần giảm mật độ đàn vật nuôi; cân đối khẩu phần thức ăn phù hợp, đảm bảo đầy đủ nước uống sạch, mát, liên tục; bố trí thời gian cho ăn thích hợp (sáng sớm, chiều muộn và đêm), bổ sung các chất điện giải, các loại vitamin... để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; không chăn thả vật nuôi hoặc tắm cho gia súc khi nhiệt độ ngoài trời quá cao để tránh bị sốc nhiệt, say nắng.
Khuyến cáo các hộ chăn nuôi xây dựng, cải tạo hệ thống hầm khí sinh học có thể tích đảm bảo yêu cầu, đáp ứng với quy mô chăn nuôi; xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng kín hạn chế ô nhiễm môi trường. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải và xử lý theo đúng quy định. Định kỳ dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; không để nước thải chăn nuôi tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh; định kỳ phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiêu diệt mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện vật nuôi có biểu hiện ốm, cách li, điều trị và khai báo với địa phương theo quy định để tránh lây lan dịch bệnh.