Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2022 | 12:0

Nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông, hồ

Ngày 7/10, tại huyện Na Hang (Tuyên Quang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Tọa đàm Nông nghiệp “Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông, hồ”.

Toàn cảnh tọa đàm.

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, nghề nuôi lồng, bè đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Các hồ chứa có nguồn nước sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán trên thị trường cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 - 1,5 lần.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.

 

Phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa có thể giúp chuyển đổi cơ cấu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tạo sinh kế cho đồng bào miền núi, cao nguyên, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, có mạng lưới sông, suối khá dày đặc và phân bố tương đối đều tại các huyện, thành phố với trên 12.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 8.000ha mặt nước hồ thủy điện. Đặc biệt, thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang khu hệ cá trên sông phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên, cá lăng, cá bỗng...

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.255 lồng cá được nuôi trên sông, hồ (số lồng nuôi cá đặc sản, cá chủ lực chiếm 50% tổng số lồng). Sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 10.091 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản đạt 54 tấn; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 4.800 tấn.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản.

 

Công tác sản xuất giống thủy sản được chú trọng, đảm bảo phục vụ sản xuất, nhất là việc sản xuất giống thủy sản đặc sản. Năm 2021, sản xuất được trên 91 triệu con cá giống các loại, tăng  3,4% so năm 2020, trong đó các giống đặc sản là trên 75 nghìn con. Nuôi cá lồng là nghề truyền thống lâu đời của người dân sống ven sông trên địa bàn tỉnh. Nghề nuôi cá  đem lại lợi nhuận rất cao, nên người ta thường nói: “Thứ nhất nuôi cá, thứ nhì gá bạc”.

Tiềm năng, lợi thế là vậy, theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nghề nuôi cá lồng bè còn những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất; việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; chất lượng đầu vào con giống; vấn đề thức ăn và môi trường; việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ...  Do vậy, đòi hỏi các bộ, ban, ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ.

Cùng về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, hiện nay, còn một số khó khăn, thách thức trong việc phát triển thủy sản thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất đòi hỏi các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và người nuôi cá cần chung sức để tháo gỡ.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ các kỹ thuật nuôi, cơ chế, chính sách của tỉnh cho các hộ nuôi cá tại huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa...

 

Về giải pháp, ông Hùng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện và các sông, suối trên địa bàn tỉnh; duy trì số lượng lồng nuôi cá hiện có, dần hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng VietGAP với các loại lồng nuôi có kích thước lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cá lồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm loại có giá trị kinh tế cao; nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loại cá thông thường.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó có hỗ trợ tổ chức, cá nhân vay vốn được hỗ trợ lãi suất để phát triển nuôi cá đặc sản, chủ lực trong lồng trên sông, hồ thủy điện, hồ thủy lợi.

Đến năm 2021, Tuyên Quang có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 02 cơ sở được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Năm 2017, sản phẩm cá Lăng được bình chọn danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trao đổi, thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ; giải pháp khoa học công nghệ; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền; vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức sản xuất nghề nuôi cá lồng bè tại các địa phương; vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top