Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 11:55

Ngành điều vượt khó bằng khai thác lợi thế cạnh tranh

Vụ thu hoạch điều năm nay, nông dân trồng điều thua lỗ vì vụ mùa vừa mất mùa, vừa mất giá. Nguyên nhân là do từ năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều chấm dứt giai đoạn 10 năm liên tục tăng trưởng về xuất khẩu. Dự báo năm 2023, ngành điều vẫn khó khởi sắc như giai đoạn tăng trưởng trước đó.

Tuy nhiên, đây vẫn là ngành hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu điều đang nỗ lực tạo lợi thế cạnh tranh để vượt khó.

Lo mất mùa, mất giá

Năm nay, thời tiết thất thường là nguyên nhân khiến nhiều vùng trồng điều trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mất mùa. Sản lượng giảm mạnh nhưng giá hạt điều nông dân bán ra vẫn thấp hơn so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Thu, nông dân trồng điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), lo lắng, ngay từ đầu vụ, giá hạt điều bán ra tại vườn chỉ được 25-28 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá thấp này được duy trì suốt vụ thu hoạch. Vài năm nay, cây điều cho hiệu quả kinh tế thấp, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao nên nông dân cũng không mặn mà đầu tư khiến năng suất của cây trồng này ngày càng giảm.

Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đua nhau chặt bỏ cây điều. Theo đó, hiện toàn tỉnh chỉ còn gần 29,6 ngàn hecta, giảm hàng chục ngàn hecta so với khoảng 5 năm trước đó.

Vụ thu hoạch năm nay, hạt điều mất mùa nhưng thương lái thu mua hạt điều  với giá thấp. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm. Theo một số DN chế biến hạt điều trên địa bàn, vài năm trở lại đây, ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năm 2022, thị trường xuất khẩu gặp khó, tiêu thụ trong nước cũng rất chậm khiến nhiều DN sản xuất cầm chừng, thậm chí thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Dự báo năm 2023, thị trường xuất khẩu hạt điều vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của thế giới.

Nông dân trồng điều tại xã An Viễn, huyệnTrảng Bom thu hoạch hạt điều.

Ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Từ sau dịch Covid-19 đến nay, một số DN, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn xã thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Nguyên nhân do ngành hàng này không chỉ gặp khó khăn về đầu ra mà còn bấp bênh vì nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Nỗ lực giữ thị trường xuất khẩu

Tuy dần yếu thế trong cạnh tranh nhưng điều vẫn là cây trồng có diện tích lớn của tỉnh Đồng Nai. Ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều cũng đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu nông sản của tỉnh. Nhiều DN chế biến, xuất khẩu điều ngày càng quan tâm đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, tăng lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á và Nam Thái bình dương, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận xét, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thị trường châu Á - châu Phi tương đối lớn. Trong đó, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam thuộc tốp đầu vào thị trường này. DN xuất khẩu hạt điều nói riêng, nông sản nói chung phải có chiến lược dài hạn khi tiếp cận các thị trường trên; đảm bảo chất lượng đồng đều cho các đơn hàng để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường còn giàu tiềm năng này.

Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt gần 520 ngàn tấn, giảm 10,3% về lượng và giảm hơn 15% về giá trị so với năm 2021. Tuy nhiên, với hơn 3 tỷ USD thu về, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu, chiếm khoảng 80% thương mại điều nhân toàn cầu.

Công ty TNHH MTV xuất - nhập khẩu Nga Biên xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) luôn chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho dây chuyền sản xuất, từ đó giảm được chi phí, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Khi mới thành lập vào năm 2010, DN sản xuất bằng phương pháp thủ công với lượng nhân công lao động 30- 40 người. Do máy móc sản xuất thô sơ nên việc phân loại tốn nhiều công và thời gian. Sản lượng điều không lớn nên công ty chỉ ký được những hợp đồng nhỏ lẻ, bình quân mỗi tháng chỉ xuất được vài chục tấn hạt điều.

Năm 2015, Công ty Nga Biên mạnh dạn vay thêm vốn, mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư mua lò hơi, lò sấy, lò rang, lò nướng và các loại máy bắn màu, máy làm ẩm, máy đánh lụa, xe nâng, băng tải chuyền hoạt động tự động hóa... với giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đến nay, các khâu sản xuất, đóng gói, quản lý của DN đều khép kín, chặt chẽ, đảm bảo bảo toàn giá trị hạt điều từ khi mới thu hoạch cho đến tay người tiêu dùng.

Bà Tô Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Nga Biên, chia sẻ: “Trong giai đoạn thị trường khó khăn, DN đã cố gắng vượt qua bằng cách đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra hàng hóa chất lượng cao với mong muốn là sản phẩm được nhiều người biết đến, cùng thưởng thức và tự hào là hàng Việt Nam chất lượng cao”. Sản phẩm của DN ngày càng đa dạng như: Điều rang muối, điều trắng và các loại vị cùng với các loại ngũ cốc khác. Cung cấp cho thị trường xuất khẩu, sản phẩm hạt điều đạt chuẩn chất lượng quốc tế với sản lượng lớn nên DN ký được nhiều hợp đồng lớn với thời gian dài.

 

Phan Anh
Ý kiến bạn đọc
Top