Ngày 19/12, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.
Hiện, toàn tỉnh có gần 2.000 lồng bè, trong đó khoảng 700 lồng tại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), 1.000 lồng nuôi ở thủy điện Hủa Na (Quế Phong) và một số hồ thủy điện khác; đối tượng nuôi là trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá lăng, cá leo; phấn đấu thử nghiệm nuôi thêm cá tầm, cá ghé; sử dụng công nghệ mới HDPE thay thế cho lồng tự phát bằng tre nứa.
Theo dự thảo Đề án, đến năm 2025: Diện tích nuôi thả trực tiếp trong hồ chứa đạt 8.400 ha; sản lượng đạt 6.100 tấn. Số lượng lồng nuôi trên hồ chứa đạt 2.250 cái. Giá trị sản xuất đạt 450 tỷ đồng.
Đến năm 2030: Diện tích nuôi thả trực tiếp trong lòng hồ chứa 8.480 ha; sản lượng nuôi đạt 7.300 tấn. Số lồng nuôi trên hồ chứa 3.200 lồng. Giá trị sản xuất đạt 715 tỷ đồng
Khu vực phát triển nuôi thả trực tiếp trên các loại hồ chứa tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương và Nghi Lộc... Khu vực này tập trung nuôi các loài cá có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng như cá trắm, cá chép, cá rô phi, diêu hồng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát các đề án trước và tập trung đề xuất chính sách mới hỗ trợ bà con mua lồng bè, lắp đặt trang thiết bị quan trắc, sản xuất giống bản địa...; đồng thời, có các cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.