Mục tiêu sản lượng lương thực năm 2023 của tỉnh Nghệ An đạt khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó vụ xuân 2023 phải phấn đấu đạt 695.500 tấn lương thực. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 91.000 ha lúa, 19.300 ha cây ngô, 9.500 ha lạc, 12.500 ha rau các loại…
Vụ xuân 2023, dự báo sản xuất sẽ diễn ra trong điều kiện nhiều khó khăn. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm, thời điểm rét đậm, rét hại có thể trùng với thời gian ra mạ, gieo cấy nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, cũng như tiềm ẩn nguy cơ bị thiệt hại do thời tiết gây ra.
Tại hội nghị "triển khai đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân năm 2023 và công tác phát triển chăn nuôi phòng chống dịch bệnh động vật 2 tháng cuối năm 2022 và vụ xuân năm 2023", ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Các địa phương cần tập trung tổ chức chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao nhất cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Ngành chức năng phải tăng cường giám sát việc tuân thủ về lịch thời vụ đối với từng nhóm giống; bố trí thời gian gieo cấy để cây lúa trỗ từ ngày 20/4 - 30/4, tránh gặp rét cuối vụ.
Tiến độ gieo trồng vụ đông năm nay chậm do ảnh hưởng mưa bão, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất vụ xuân. Ảnh: Lưu Khuyên
Đồng thời, công tác tuyên truyền, cảnh báo và đưa tin về lịch thời vụ, tình hình rét đậm, rét hại, dịch hại cây trồng và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn phải được coi trọng; các địa phương cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để đưa tin, phổ biến kịp thời để nông dân biết, hiểu và thực hiện, sản xuất an toàn và hiệu quả.
Trước dự báo rét sớm, rét đậm và rét hại, cần tập trung chỉ đạo 100% diện tích gieo mạ có che phủ nilon để chống rét, chống chuột và đồng thời chống rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh lùn sọc đen; hạn chế tối đa việc gieo thẳng làm lúa dễ bị chết rét.
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 91.000 ha lúa, 19.300 ha cây ngô, 9.500 ha lạc, 12.500 ha rau các loại… Ảnh: Lưu Khuyên
Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản xuất, cần tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm VietGAP, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử để ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ.