Nhờ những giải pháp phòng, chống kịp thởi của cơ quan chuyên môn nên bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh này thời gian tới là rất cao.
Hàng năm, tỉnh Nghệ An đều có chủ trương cấp vắc-xin lở mồm long móng tiêm phòng cho đàn gia súc khu vực miền núi, vùng đệm chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa; vùng ổ dịch; vùng ổ dịch cũ; vùng nguy cơ cao; vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm; vùng nuôi có các chợ buôn bán trâu, bò lớn của tỉnh… nhờ vậy, đã hạn chế được tối đa dịch bệnh và bảo vệ hiệu quả đàn gia súc trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dù bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được khống chế, nhưng nguy cơ dịch xảy ra rất cao, đặc biệt khu vực miền núi. Ảnh: Báo Nghệ An
Ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan xác định đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.
Bước vào mùa mưa bão, tình trạng ngập úng xảy ra tại nhiều địa phương, môi trường bị ô nhiễm, các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố chuồng trại; chuẩn bị thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi và khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết nghi bệnh truyền nhiễm cần báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan thú y gần nhất để kiểm tra, xử lý kịp thời.