Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024 | 13:0

Nghệ An triển khai kế hoạch phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Nghệ An có diện tích rừng và đất rừng tương đối lớn nên nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng là hết sức quan trọng. Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Đề án), ngày 13/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 439/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của nhân dân; nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia thực hiện Đề án.

Triển khai Đề án hướng đến mục đích phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.

Nghệ An có có hơn 2/3 diện tích là rừng và đất lâm nghiệp.

Nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, phát triển các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn tập trung trên địa bàn tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Thu hút lực lượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng tham gia làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương lồng ghép, thực hiện có hiệu quả kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án khác và kết hợp với nguồn xã hội hóa đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ để phát triển giá trị đa dụng của rừng. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và sản xuất từ khâu chọn, tạo giống, kiểm soát chất lượng nguồn giống; thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng giống cây lâm nghiệp; gắn các vùng nguyên liệu với chế biến hàng hóa tập trung đối với một số sản phẩm thế mạnh; xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng tiếp tục tham gia trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đồng thời tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Xây dựng vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn gắn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2030; phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô như sản xuất dăm gỗ xuất khẩu.

 Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, các chủ rừng tiếp tục tham gia trồng rừng

Nâng cao khả năng liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.

UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, theo chức năng nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng đến các tổ chức, cá nhân đang sinh sống trên địa bàn; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nỗ lực cấp chứng chỉ rừng FSC

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu. Cụ thể: Xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững 2.886 ha rừng keo, huyện Thanh Chương 6.200 ha rừng keo, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên (thị xã Hoàng Mai) 820 ha, huyện Yên Thành 1.980 ha, huyện Anh Sơn 2.823…

Diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC đều có các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như Công ty CP sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương liên kết bao tiêu sản phẩm gỗ keo cho với các xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Hương, Thanh Thịnh và Thanh An, huyện Thanh Chương; Công ty An Việt Phát bao tiêu sản phẩm cho các xã Đồng Thành,Thịnh Thành, huyện Yên Thành; Công ty Lâm sản Khánh Tâm ký biên bản cam kết thu mua nguyên liệu lùng huyện Quế Phong…

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững sẽ có lợi ích là người dân thu hoạch rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tổng diện tích rừng hiện có. Nguyên nhân là Nghệ An có nhiều đồi núi, độ dốc cao, mưa nhiều gây ra tình trạng xói lở tại các khu vực rừng trồng, tập quán canh tác trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún.

Rừng lùng của bản Pù Duộc, xã Đồng Văn được cấp Chứng chỉ FSC

Chưa kể thời gian trồng rừng gỗ lớn dài cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường; ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các đối tượng tham gia vào trồng rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ.

Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững.

Để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hằng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ. Trong khi Nghệ An cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC, chủ yếu là các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gỗ keo hỗ trợ người dân từ 500.000-1.000.000 đồng/ha.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp và các ngành để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp chứng chỉ rừng. Chỉ đạo các địa phương đang triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng, rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.

Dự kiến, năm 2024, Nghệ An hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng chỉ thêm 4.500 ha ở các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 50.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.

Người dân bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) trồng rừng tre mét phát triển kinh tế

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng.Chứng nhận FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên. Về mặt kinh tế: FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao, có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 - 30% so với các sản phẩm cùng loại.

ng dụng công nghệ số để giữ rừng

Nhằm hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững để giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển, Liên hiệp quốc đã có một sáng kiến quốc tế là Chương trình REDD+.

Đồng hành cùng với Chương trình REDD+, Liên minh châu Âu đã tài trợ cho Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học Việt Nam Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.

Dự án thực hiện 4 năm (2020-2024) trên địa bàn 18 thôn, bản của 6 xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái (Tương Dương) và Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn (Kỳ Sơn), với hơn 210 thành viên.

Trong 4 năm qua, các nhóm FCIM thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i. Những người tham gia nhóm FCIM đều là lực lượng nòng cốt của các tổ chức chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các đội tuần tra bảo vệ rừng.

Thông qua hoạt động của các nhóm FCIM, người tham gia được cung cấp thiết bị công nghệ GPS, điện thoại thông minh, được tập huấn việc sử dụng công nghệ viễn thám, hệ thống Terra-i vào quản lý rừng.

“Từ khi dự án giám sát, bảo vệ rừng được triển khai, chỉ 1 thân cây trên rừng bị đốn hạ, gãy đổ, “con mắt của rừng” chính là những chiếc điện thoại thông minh, sẽ ngay lập tức phát hiện và báo về hệ thống.

Từ đó, các thành viên sẽ kiểm tra thực địa, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xử lý. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giám sát, bảo vệ rừng một cách thuận lợi và hiệu quả hơn, những chuyến đi rừng giờ đây đã đỡ phần vất vả”, ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn - đại diện đơn vị được thụ hưởng dự án cho biết.

Hàng tháng, nhóm FCIM sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống Terra-i, nếu phát hiện sự biến động của rừng, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tiến hành điều tra thực địa. Sau đó, nhóm sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống Terra-i và báo cáo cho các ban FCIM cấp xã, huyện và các bên liên quan để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Theo anh La Văn Ỏn - Phó trưởng Nhóm FCIM bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) thì: “Việc xác định các điểm có biến động về cây rừng dễ dàng nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng trên địa bàn. Hệ thống cũng tạo điều kiện cho mọi người được tham gia vào quá trình giám sát tình trạng biến đổi của rừng trên thôn, bản mình”.

Nói thêm về kiểm soát mất rừng, ông Phan Văn Mạnh cho biết: “Có khi 1 cái cây bị chết, gãy đổ, hoặc gặp gió bão gây đổ ngã, tạo khoảng trống so với số liệu trước đó máy ghi nhận, thì lập tức máy sẽ thông báo chính xác vị trí phát hiện thay đổi, giúp tổ kiểm soát có thể đến nhanh, đúng địa điểm để xác minh”.

Nhóm FCIM Huồi Giảng 2, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) kiểm tra thực địa rừng.

Trước đây, cụm từ như “Công nghệ viễn thám” vốn không tồn tại trong từ điển ngôn ngữ bản địa của đồng bào, giờ đây, thông qua các lớp tập huấn, các thành viên được truyền đạt kiến thức, được hướng dẫn sử dụng, được “cầm tay chỉ việc” nên đã sử dụng thuần thục các thiết bị, phần mềm vào việc quản lý, bảo vệ rừng.

Anh Vừ Bá Giờ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Ngoi, Phó ban Dự án FCIM xã Na Ngoi cho biết: “Trước đây, tôi không biết khu vực rừng của các bản mình quản lý nằm ở đâu, có diễn biến mất rừng như thế nào, nhưng nhờ hệ thống này tôi đã nắm bắt được thông tin về tình trạng rừng của địa bàn mình. Hệ thống Terra-i sử dụng khá đơn giản, có thể kiểm tra thông tin biến động của cây rừng ở bất cứ nơi đâu, người dân nào cũng có thể được tiếp cận thông tin biến đổi của rừng”.

Nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị số vào quản lý, bảo vệ rừng, nhờ đó, trong vòng 4 năm qua, các nhóm đã phát hiện, ghi nhận 1.626 điểm cảnh báo mất rừng 4.000 ha; 18 FCIM thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i, có 488 điểm cảnh báo chính xác, phát hiện thêm 50 điểm.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
Top