Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024 | 10:15

Sản xuất xanh, giảm phát thải

Sản xuất xanh đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó không chỉ là đòi hỏi của thị trường mà còn là trách nhiệm của người sản xuất. Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Bài 1: Thực trạng và yêu cầu thực tế

Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu - một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh.

Theo các báo cáo khoa học, Việt Nam ta là quốc gia chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu. Nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ thực tế đó, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, phát thải carbon thấp trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Nông nghiệp đóng góp khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 53,01 tỷ USD, trong đó nhiều ngành hàng có kim ngạch cao kỷ lục như: lúa gạo 4,78 tỷ USD, rau quả 5,69 tỷ USD, càphê 4,18 tỷ USD... Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, cùng với những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam cũng đang là nhân tố lớn góp phần vào phát thải khí nhà kính. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Do đó, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chú ý ngày càng cao của quốc tế đối với lượng khí thải carbon trong các mặt hàng xuất khẩu.

Từ năm 2022, nông, lâm nghiệp đã là một trong 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Không thể chần chừ, cũng không thể có bước lùi, ngành Nông nghiệp phải huy động tổng lực để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, trong đó có sự tham gia chủ lực của người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.

Ở khía cạnh khác, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu

Đặc biệt, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ phân bón và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách các tàn dư lúa như rơm, rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong canh tác.

Cụ thể, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4 (metan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước.

Mặt khác, hoạt động trồng lúa cũng đang tạo ra không ít thách thức cho môi trường do sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; thói quen canh tác kiểu cũ tạo ra nhiều khí nhà kính và bụi môi trường từ việc đốt rơm trên ruộng, vứt bỏ trấu xuống kênh mương…

Bên cạnh đó, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm hai nguồn chính: Khí methane từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, chỉ tính tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 đã lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi. Ngoài ra, chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước đạt 379 triệu mét khối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT), chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng như đã và đang chiếm đáng kể trong tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn giữ phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Phát thải khí methane từ phân động vật gây ra ở điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí methane lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.

Ngoài ra, phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu - một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh.

Giảm phát thải giúp tăng thu nhập

Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới (WB). Đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Cần đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm khí thải, khói bụi trong sản xuất nông nghiệp.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam bán được tín chỉ carbon từ rừng. Nguồn tiền này đã và đang chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên; chi cho các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng. 

Nếu làm tốt, trong tương lai, nước ta có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại  Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Hay như Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 có 180.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Canh tác lúa giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống...

Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu hecta ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Với đề án này, WB đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu hecta có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, tiêu dùng xanh đang là xu thế trên toàn cầu. Vì thế, đòi hỏi ngành Nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, chuyển từ tư duy sản xuất tập trung sản lượng sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Đề án này nếu được thực hiện tốt sẽ mang lại đa giá trị cho lúa gạo: Kinh tế, môi trường, xã hội, sức khỏe, văn hóa... Thực hiện trồng lúa theo đề án này, người dân sẽ có thời gian rảnh rỗi, nông nhàn, có thể nghỉ ngơi tăng sức khỏe hoặc làm nghề phụ để tăng  thu nhập. 

Cần đổi mới tư duy

Trước những lợi ích đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Phùng Đức Tiến chia sẻ, ngành Nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang tích hợp “đa giá trị”…

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

.

Nông nghiệp sinh thái thúc đẩy cả ba khía cạnh của phát triển bền vững xã hội, kinh tế và môi trường.

Những rào cản

Hiện nay, xu thế sản xuất nông nghiệp trên thế giới không chỉ dừng ở chất lượng với sản lượng mà còn là trách nhiệm xã hội, do vậy, sản phẩm dù tốt, dù rẻ mà gây tổn hại cho môi trường thì cũng không được thị trường chấp nhận. Do vậy, Việt Nam cần những bước đi dài hạn để chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững – giảm phát thải.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp giảm phát thải còn tồn tại một số khó khăn như:  chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác (chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…).

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều; liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng bước đầu đã hình thành, nhưng phần lớn mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ là điểm nghẽn cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm.

Đơn cử như tại Đồng Nai, nơi được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với hơn 2,5 triệu con lợn và hơn 26 triệu con gia cầm, có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ, chủ yếu là lợn và gà. Phần lớn các cơ sở này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ. Những năm qua, ngành chăn nuôi nơi đây phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường không nhỏ.

Đặc biệt,  người nông dân hiện vẫn còn thói quen, tư duy cũ trong sản xuất như: sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đang ngày càng trở thành vần đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, môi trường sinh thái và uy tín sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vào khoảng 10 triệu tấn/năm (trong đó phân bón vô cơ chiếm 75%). Phân bón gồm hai mảng là sản xuất và sử dụng, khi gây hiệu ứng nhà kính thì mảng sản xuất chiếm khoảng 25%, còn việc sử dụng phân bón lại chiếm đến 75%.

Chính vì vậy, để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón nội địa cần phải nhắm vào cả lĩnh vực sản xuất lẫn sử dụng. Trong đó, riêng sản xuất phân bón thì hợp chất amoniac (nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón) đóng vai trò chính gây phát thải khí nhà kính. Hiện nay,  nước ta đang có một số dự án sản xuất amoniac xanh.

Bên cạnh đó, phương thức sử dụng phân bón “4 đúng” (đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng vụ, đúng cây) cũng chưa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp để giảm phát thải. 

Nông nghiệp carbon thấp: ưu tiên hàng đầu

Tại COP26, Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2 tương đương (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để nông nghiệp hội nhập, Việt Nam cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. 

Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Theo đó, giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sẽ trở thành định hướng mà ngành Nông nghiệp mong muốn đạt được nhằm tạo sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, cũng như xây dựng thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.

Cụ thể, phát triển nông nghiệp xanh mà Việt Nam hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… Đặc biệt, sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Bài 2: Những mô hình xanh, hiệu quả

 

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top