Những năm gần đây, nước ta đã tăng cường triển khai các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xanh, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.
Trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất xanh giảm phát thải đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại các địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Kinh tế nông thôn giới thiệu một số mô hình sản xuất xanh nổi bật.
Bài 1: Thực trạng và yêu cầu thực tế
Xanh hóa sản xuất thanh long
Với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi, Bình Thuận là tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước với khoảng 27.000ha và trên 600.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu tới hơn 20 thị trường trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Chỉ dẫn địa lý “Thanh Long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ.
Việt Nam đã xây dựng hệ thống riêng để kiểm soát lượng phát thải carbon trong quá trình trồng cây thanh long.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) triển khai Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam”. Trên cơ sở một số mô hình canh tác, sản xuất cụ thể theo hướng xanh và bền vững, các HTX đã được hướng dẫn đo đạc “dấu chân các-bon” cho chuỗi cung ứng thanh long; thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quản lý, sản xuất thanh long và triển khai thương mại điện tử.
Theo ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sau 3 năm, 100% hộ thành viên tại các HTX thanh long tham gia dự án đã chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9w (loại đèn chiếu sáng giúp cây thanh long tích lũy đủ hàm lượng sắc tố Phytochrome Far-red trong đêm để ra hoa), tiết kiệm hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải. Việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giúp giảm 41,67% lượng nước sử dụng trong quá trình canh tác. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và cung cấp cho hệ thống tưới.
Sản xuất đạt chứng nhận Global GAP giúp các HTX, doanh nghiệp có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp như châu Âu và Australia. Đặc biệt, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm và sản xuất có trách nhiệm đã xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận. Hiện nay, quả thanh long khi lưu thông trên thị trường đều có dán mã QR truy xuất nguồn gốc điện tử, cho phép truy cập vào số liệu thống kê, cập nhật về lượng khí thải các-bon.
Bên cạnh đó, các hoạt động góp phần xanh hóa sản xuất thanh long cũng được triển khai thực hiện, như: thu gom xử lý triệt để bóng đèn chiếu sáng thanh long sau sử dụng; trồng cây lâm nghiệp (lấy gỗ tạo vùng đệm) hàng biên trên các trang trại sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp và khu vực tư nhân nâng cao nhận thức và thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi có liên quan, nhằm tăng cường chính sách tín dụng cho vay, từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể trong nông nghiệp xanh và bền vững.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết, một trong những thành công nổi bật của dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam” là hệ thống truy xuất dấu chân các-bon cho trái thanh long đầu tiên ở Việt Nam, cho phép người tiêu dùng biết được lượng khí thải các-bon trong quá trình sản xuất trái thanh long. Đây là minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Kinh nghiệm từ dự án cho thanh long Bình Thuận sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp có thể xem xét nhân rộng mô hình, hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các chuỗi nông sản khác.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Việt Nam hiện là một trong số các nước đang phát triển đưa ra các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm: Cam kết về Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu; cam kết thực hiện Tuyên bố Glasgrow về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng. Tại COP28 vừa qua, Việt Nam đã cùng với hơn 140 quốc gia thông qua “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống Lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và Hành động vì khí hậu”.
Như vậy, có thể thấy, việc chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam nói chung và chuỗi giá trị ngành hàng nói riêng như thanh long theo hướng xanh, các-bon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số… là một tất yếu góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành Nông nghiệp và PTNT.
Riêng với tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh khẳng định, sẽ nhân rộng và đẩy mạnh chuyển giao các kết quả đạt được từ hoạt động của dự án đến các HTX, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thanh long. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sáng kiến có từ dự án vào sản xuất; phát triển ngành hàng thanh long hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng thị trường quốc tế.
Ấn tượng với nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; đồng thời, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người…
Hiện nay, nước ta xuất hiện hàng nghìn mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Tại các mô hình này, quá trình sản xuất theo chu trình khép kín được thiết lập thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Tại tỉnh Ninh Thuận, mô hình sản xuất của Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại Sun & Wind (Nắng và Gió) thuộc GC Food bắt đầu hoạt động từ năm 2018, với diện tích gần 100 ha, tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.
Các sản phẩm nông nghiệp chính của trang trại Sun & Wind gồm: nho, táo, dưa lưới, nha đam, chăn nuôi bò núi, gà núi, cừu... Tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy chế biến nha đam của GC Food được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu.
Ông Lê Minh Vương, phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại trang trại Sun & Wind, cho biết, mỗi năm trang trại tái sử dụng xử lý trên 1.000m3 vỏ lá nha đam thải bỏ từ nhà máy, tận dụng nguồn phân bò sẵn có tại trang trại kết hợp vỏ lá nha đam để chế biến sản xuất làm phân bò nha đam ủ hoai cung cấp tuần hoàn ngược trở lại cho các hạng mục trồng trọt.
Công ty T&T 159 tại tỉnh Hòa Bình đã xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, với quy mô 25ha. Trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu, bò thương phẩm. Mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân hữu cơ, giá trị 300 - 500 triệu đồng. Công ty T&T 159 thực hiện liên kết với gần 6.000 hộ dân trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận để đảm bảo cung cấp phế phụ phẩm nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò tại nông hộ.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nấm - bò - vịt - lúa - điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang của Công ty TNHH MTV HG FARM (HGF) là ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế. Chuỗi chăn nuôi bò của HG FARM không chỉ tạo ra sản phẩm bò thịt để thương mại, mà còn tạo ra các sản phẩm: phân bò tươi, trùn quế, phân đệm lót. Ở HG Farm, phân bò dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng.
Mô hình lúa-vịt tại đây cũng tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nông nghiệp thuận thiên: ruộng lúa được thiên địch là vịt bảo vệ cũng như nguồn nước ngọt là nước mưa được tận dụng tối đa. Vịt được cho ăn thức ăn lên men từ phân bò tươi với giá thành chỉ bằng một phần ba thức ăn công nghiệp và phân vịt cùng giá thể đệm lót sẽ bón cho ruộng lúa thuận thiên. Sau khi thu hoạch lúa thì rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau-củ-quả nhiệt đới.
Nhà máy xay xát lúa gạo Vĩnh Bình tại tỉnh An Giang, công suất 80.000 tấn gạo/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu. Hiện nhà máy tái sử dụng 50% lượng trấu vào việc sấy lúa, phần còn lại được sản xuất thành thanh củi trấu bán ra thị trường cho các cơ sở chế biến để đốt lò hơi. Mô hình này đã giúp giảm 30% chi phí năng lượng tại nhà máy sấy và xay xát lúa gạo, đồng thời tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn gạo từ việc bán củi trấu, tương đương 3,2 tỷ đồng/năm; lượng giảm phát thải khí nhà kính đạt 10,2 tấn CO2-e/ha/năm.
Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế trong phát triển kinh tế xanh và bền vững. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Những mô hình tiên phong và đổi thay tích cực
Thăm ruộng lúa của gia đình đang gần đến ngày thu hoạch, ông Lý Hùng ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ngày trước, mỗi khi tới vụ sản xuất là chai lọ thuốc trừ sâu chất đầy ở bờ ruộng, dưới kênh, do bà con dùng để diệt cỏ dại, ốc bươu vàng...
Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 vụ đông xuân 2023-2024 thì mọi thứ thay đổi tích cực. Khi đến mùa vụ, bà con sản xuất đồng loạt, cùng một loại giống, nhà khoa học hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn, giảm sử dụng phân, thuốc hóa học; ghi chép sổ sách; Nhà nước hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào, thiết bị phun thuốc không người lái, đồng thời còn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm đầu ra, bảo đảm bà con có lãi. Sản xuất lúa theo phương thức này, tôi thấy vừa an toàn vừa hiệu quả”.
Mang theo niềm vui mùa vụ mới của bà con Sóc Trăng, ghé thăm tỉnh An Giang, một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của ĐBSCL. Thay vào cảnh khói đen nghi ngút vì bà con đốt đồng sau khi thu hoạch lúa thì nay rơm được cuộn lại để trồng nấm, làm phân hữu cơ hay thức ăn cho gia súc, vừa giảm phát thải khí nhà kính lại thêm thu nhập. Không dừng lại ở đó, dọc các cánh đồng ở huyện An Phú, bên cạnh màu xanh của lúa còn là màu của nhiều loại hoa đang khoe sắc như sao nhái, trâm ổi...
Theo nhiều nhà nông, mô hình sinh thái “ruộng lúa, bờ hoa” được bà con áp dụng nhiều năm nay và cho hiệu quả cao. Ngoài giúp nông dân duy trì sự ổn định giữa các đối tượng gây hại và các sinh vật có ích trên đồng ruộng còn giảm hơn 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật nên tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/1.000m2 lúa mỗi vụ, tăng thêm hơn 10% lợi nhuận cho người trồng lúa và giúp cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT): “Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có gần 40.000ha lúa canh tác theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường nội địa và xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình để góp phần từng bước hướng đến nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính”.
Tương tự, gần hai năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã tập huấn cho hàng nghìn nông dân, cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về quản lý và sử dụng an toàn trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu... Phối hợp với các đơn vị thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; xây các thùng chứa chai lọ tránh việc vứt xuống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Ngoài ra, ký kết với Hiệp hội CropLife Việt Nam về hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; duy trì môi trường xanh, sạch. Qua đó xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Được biết, hiện nay, mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo”4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: “3 giảm, 3 tăng,” “1 phải, 5 giảm,” kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... Không chỉ các địa phương, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo cũng đang đẩy mạnh tiến trình trồng lúa và chế biến gạo có chứng nhận phát thải thấp.
Với mục tiêu “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái (Drone) để giảm lượng nước sử dụng khi phun, xịt, tưới tiêu; sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển bộ sản phẩm bảo vệ mùa vụ cân bằng ba yếu tố hữu cơ-sinh học-hóa học, hướng đến giảm 1 triệu lít hóa chất đổ xuống đồng ruộng Việt Nam mỗi năm; sản xuất theo tiêu chuẩn SRP (tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững); triển khai kế hoạch hợp tác tín chỉ carbon trong tương lai.
Doanh nghiệp sản xuất đang chuyển hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Chương trình “dấu chân các-bon” trên sản xuất cà phê
Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil và là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Năm 2023, giá cà phê xuất khẩu ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022. Giá cà phê trong nước cũng liên tục lập đỉnh, mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng cà phê. Tuy nhiên ngành hàng này hiện sử dụng nhiều phân bón và nước tưới hơn cần thiết, dẫn đến mức phát thải khí nhà kính cao. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa tiềm tàng đối với ngành cà phê, đòi hỏi phải xem xét lại các hệ thống canh tác và triển khai những can thiệp cấp thiết liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Chương trình “dấu chân các-bon” trên sản xuất cà phê của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là ví dụ điển hình cho nỗ lực giảm phát thải. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc phát triển nông nghiệp bền vững Simexco DakLak, cho biết: Năm 2022, chương trình “dấu chân các-bon” triển khai thu thập dữ liệu 40 hộ nông dân tại vùng Krông Năng để phân tích lượng phát thải. Theo kết quả phân tích, lượng phát thải là 1,06 kg CO2/kg cà-phê nhân. Tại Tây Nguyên, dữ liệu được thu thập tại bốn vùng gồm: Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông với tổng 2.562 mẫu, trong đó lượng phát thải bình quân của các vùng tại Tây Nguyên là 1,83kg CO2/kg cà phê nhân. Đáng chú ý, mức phát thải tại Đắk Lắk thấp nhất là 1,7kg CO2/kg cà phê nhân.
Điều này đã chứng minh được sự tác động tích cực của các chương trình bền vững do Simexco DakLak triển khai trên cơ sở tăng cường sử dụng hiệu quả nước, năng lượng, vật tư nông nghiệp, quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Đơn cử như chương trình “Dự án thử nghiệm mô hình không phát thải carbon trong sản xuất cà phê quy mô nông hộ” dưới sự tài trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Công ty JDE PEET’s, với quy mô 8.818 nông hộ/9.826ha tại 3 xã Ea Tân, Ea Toh, Dlie Ya (huyện Krông Năng), vừa ổn định thu nhập cho nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh.
Trong khi đó, ngành lúa gạo cũng đang dồn sức cho việc hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu hecta lúa phát thải thấp. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Bên cạnh việc xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư, thì Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng tập trung huy động hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước trong triển khai các chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo; Tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính Chuyển đổi tài sản các-bon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng hệ thống Đo đạc-Báo cáo-Thẩm định (MRV); Hình thành tổ chức và đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ MRV và cấp tín chỉ carbon, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời khẳng định tính bền vững, trách nhiệm của nền nông nghiệp.
Dù đã có những mô hình tiên phong hiệu quả, tạo sự lan tỏa nhưng thực tế quy mô còn nhỏ; mỗi địa phương mới chỉ triển khai ở một vài huyện với diện tích vài chục héc-ta vì thế chưa đủ để thuyết phục và thay đổi tư duy của bà con nông dân. Vì thế, để đạt mục tiêu giảm 30% phát thải khí nhà kính năm 2030 và bằng 0 năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần tích cực hơn nữa trong tuyên truyền và đưa ra giải pháp để từng bước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “Xanh-sinh thái-bền vững”.
Bài 3: Điều kiện cần và đủ
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.