Trao đổi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và cần thể hiện vai trò dẫn dắt các chuỗi nông sản đi theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và giảm phát thải.
Bài 1: Thực trạng và yêu cầu thực tế
Bài 2: Những mô hình xanh, hiệu quả
Cần thay đổi tư duy sản xuất...
Để phát triển nông nghiệp xanh, tạo ra nông sản sạch không chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất, sự học hỏi và nắm bắt kiến thức mới của nông dân mà các địa phương cũng phải có chính sách đồng hành, hỗ trợ trong việc xây dựng vùng liên kết, kết nối các kênh sản xuất từ đầu vào đến đầu ra… Từ đó, giúp nông dân từng bước tiếp cận phương thức canh tác mới, hướng đến chất lượng, thay vì cứ chạy theo sản lượng như hiện nay.
Người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ngày càng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Nhận thức rõ việc hội nhập trong kinh tế nông nghiệp cần những bước đi mạnh mẽ, có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...”.
Giải đáp những thắc mắc về việc Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào đối với nông dân, hợp tác xã tham gia sản xuất xanh, giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bộ đang hỗ trợ và xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh khác.
“Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thụ. Hấp thụ thì có rừng, phát thải có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các chuyên gia đo lường phát thải trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, từ đó xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Bộ trưởng cũng cho biết giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành Nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp vốn là ngành rủi ro nhiều, sinh lời ít, thu hồi vốn chậm, nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy những doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp. Họ đầu tư không chỉ để làm giàu cho doanh nghiệp mình, mà còn chung khát vọng tạo cú hích, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa.
Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, toàn cầu minh chứng cho tài năng, trí tuệ của một cộng đồng doanh nghiệp luôn năng động, đầy tâm huyết, giàu khát vọng, từng bước chinh phục những điều tưởng rằng như không thể.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn.
“Nếu chỉ chạy theo lợi ích đơn thuần có thể làm cho môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thì sẽ không bền vững. Nếu phân chia lợi ích kinh tế chỉ cho một nhóm thiểu số, cộng đồng người nông dân thấy rằng họ bị tổn thương thì sẽ tạo ra khoảng cách”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
... và thay đổi nhận thức
Sản xuất xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay khi chuyển đổi xanh là làm sao phải giải quyết được các vấn đề như thay đổi được nhận thức của con người; có công nghệ sản xuất phù hợp; nâng cao trình độ lao động; tạo nguồn vốn...
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.
Cùng chung quan điểm cần cơ chế mở, thông nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần giảm thuế, đồng thời cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh được vay vốn để thực hiện chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cao, nhằm giảm chi phí.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành những cơ chế, chính sách định hướng cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, một số dự án, chương trình mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp hiệu quả.
Để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi sản xuất và tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có tư duy đúng về phát triển bền vững để tận dụng những ưu đãi thuế quan trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia để thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những yêu cầu đặt ra trong các FTA là doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.
Vai trò quan trọng của doanh nghiệp
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả đó, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp và PTNT.
Tuy nhiên, trên thực tế, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì đây là con số khá khiêm tốn.
Người dân, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ lợi ích bền vững của sản xuất nông nghiệp xanh.
“Phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”, ông Hùng nêu câu hỏi.
Theo TS. Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển dịch nhanh. Trong đó, trồng trọt đã giảm tỷ trọng từ 56,9% (năm 2011) xuống 43% (năm 2023); trong khi thủy sản tăng từ 18,07% lên 22,11%; chăn nuôi từ 19,6% lên 25,2%.
Sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất bền vững, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn an toàn, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; công nghệ chế biến nhiều ngành hàng ngang trình độ khu vực và quốc tế.
“Xu thế sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn… đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt các chuỗi nông sản đi theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và giảm phát thải”, ông Long nhấn mạnh.
TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay, nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng cũng là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp gồm N2O, CH4, CO2…, đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải.
N2O chiếm 32% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm urê dư thừa. Khí CH4 phát sinh từ hoạt động canh tác lúa và sử dụng đất, từ hệ tiêu hóa của động vật nhai lại (trâu, bò, cừu, dê) trong quá trình lên men ở ruột. Khí CO2 từ đốt nhiên liệu cho máy móc hoạt động trong quá trình làm đất, gieo trồng, thu hoạch…
Theo ông Phùng Hà, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số công ty phân bón bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”. Đó là phát triển rộng rãi của các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải/tan chậm, kiểm soát phân giải để giúp tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.
Ngành Gỗ chưa mạnh dạn chuyển đổi
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh là một trong số nhiều hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo phát triển kinh doanh bền vững.
Sản xuất xanh là sử dụng nguyên liệu xanh, năng lượng, công nghệ ít phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa mạnh dạn và triệt để trong việc theo đuổi sản xuất xanh hướng đến các giá trị bền vững.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo chỉ ra có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khách hàng.
Một là, đa số doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra sự quan trọng của việc chuyển sang sản xuất xanh để phát triển bền vững, chưa sẵn lòng thay đổi. Ngành Gỗ hiện nay vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải carbon, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi.
“Hai thị trường lớn là EU và Mỹ thời gian tới sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình chứ không nên nhìn nhận là thách thức”, ông Bảo nói.
Hai là, chưa có những hướng dẫn cụ thể về công nghệ chế biến lâm sản phát thải khí nhà kính bao nhiêu là xanh, hướng dẫn đo lượng khí nhà kính phát thải.
Ba là, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh làm tăng phí sản xuất để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh, chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, điện xanh; thay đổi quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, nếu đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến lâm sản sẽ có những lợi thế rõ rệt.
Xu hướng chung hiện nay là người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp chế biến lâm sản đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khách hàng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường EU. Đây là thị trường “khó tính”, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, do đó sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường trên thế giới.
“Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đang được triển khai thực hiện tại các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản. Các sản phẩm đạt được mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính; chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc chuyển đổi sản xuất xanh”, ông Bảo nói.
Nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: “Kết quả bước đầu về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của Việt Nam là rất quan trọng. Để biến khát vọng về chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế nhanh, bền vững trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm. Cần nhất quán quan điểm coi chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững. Một số nhiệm vụ trọng tâm xoay quanh ba trục: Thể chế - Khoa học, công nghệ, chuyển đổi số - Tài chính xanh.
Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, các chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để từ đó có thể triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời, theo lộ trình các nhiệm vụ đặt ra đối với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Thứ hai, rà soát, đánh giá thực chất kết quả triển khai 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nêu trong Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó cần đặc biệt lưu ý về kết quả triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế (bao gồm 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 9 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); khoa học, công nghệ (2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); và các ngành tạo phát thải khí nhà kính lớn như: năng lượng (bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); công nghiệp (bao gồm 4 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); giao thông vận tải và dịch vụ logistics (bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 18 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); nông nghiệp và phát triển nông thôn (bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể). Lưu ý là ngành nông nghiệp có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn.
Thứ ba, xác định khoa học và công nghệ là yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh như: xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.
Thứ tư, định hình tư duy và chiến lược mới về thu hút FDI trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 -NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
Thứ năm, cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững, vì đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050".
“Qua khảo sát, 83% doanh nghiệp cho rằng, sản xuất xanh giúp nâng cao hình ảnh và uy tín; 57% doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững bởi đây là áp lực cần tuân thủ nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác tại châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, 70% doanh nghiệp cho biết chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa hiểu rõ lợi ích của kinh tế xanh và phát triển bền vững nên chưa sẵn sàng đầu tư, chuyển đổi sản xuất” Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến chia sẻ. |
Giao các nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được, trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chiến lược của Việt Nam.
hương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện trong nhiều năm qua đã mang lại những hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó, nhờ vào sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) mà trang trại Mai Quốc 3 (xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) có sản phẩm bưởi da xanh được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Cùng với sự thay đổi trong mô hình sản xuất tôm ở một số quốc gia, ngành tôm Việt Nam sẽ phải tìm ra những giải pháp để duy trì sự ổn định trong dài hạn. VASEP kỳ vọng, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi vào năm 2025, nguồn cung tôm nguyên liệu có thể được cải thiện, giúp giá cả ổn định hơn và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có Quyết định số 3238/QĐ-UBND công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức. Đây là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Hiện, ngoài vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao này tỉnh cũng đã có một doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao.
Với phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học dành cho giống lợn hoang dã, ông Lê Văn Hinh ở thôn Tòong Mòn, xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không chỉ thành công trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Mô hình mang về cho gia đình nguồn thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm.