Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 11:2

Để ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn: Cần kết hợp nhiều giải pháp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với hơn 94% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo đó là hạn, mặn đang đe dọa đến sự phát triển của vùng. Đâu là giải pháp để phát triển bền vững vùng ĐBSCL?

Xâm nhập mặn ngày càng gay gắt

ĐBSCL là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn hecta thì có đến 2.575,2 nghìn hecta đất dùng cho sản xuất cây nông nghiệp (chiếm 60% diện tích). Hằng năm, sông Tiền, sông Hậu mang đến nơi đây lượng phù sa màu mỡ. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt vừa thuận tiện giao thương, vừa tạo điều kiện tốt nhất không chỉ trồng cây mà còn cho nuôi trồng thủy sản.

Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia nhưng ĐBSCL lại là vùng đất rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Công… khiến cho vùng này đã và đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.

Ngay từ cuối tháng 2, xâm nhập mặn ở một số địa phương trong vùng bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng liên tục tăng, có nơi đạt mức 38 độ C. Cùng lúc này, nguồn nước ở các tuyến sông xuống thấp, khiến cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng.

Về lâu dài, ĐBSCL cần giảm diện tích lúa chuyển sang thuỷ sản, rau màu, cây ăn trái để tiết kiệm nước.

Tại tỉnh Bến Tre, có thời điểm nước mặn 4‰ xâm nhập khá sâu, cách cửa sông từ 44 - 53km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông tới 70km. Tại huyện Chợ Lách, trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, nước mặn gần 3‰ đã xâm nhập đến các xã Hòa Nghĩa và Long Thới, Hưng Khánh Trung B; độ mặn gần 2‰ đã đến xã Tân Thiềng; độ mặn 1,4‰ đến xã Phú Sơn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa khô 2023-2024, mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình 10 năm gần nhất. Mặn bắt đầu xâm nhập từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 5/2024. Bên ngoài các nhánh sông chính ở Bến Tre đã bị mặn xâm nhập ở các mức độ khác nhau, có nơi độ mặn vượt 3‰, vào sâu nội địa hơn 40km dọc theo sông chính.

Với mức xâm nhập mặn như vậy, khoảng 56.260ha lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng xảy ra thiếu nước. Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300ha ở các huyện Tân Trụ (Long An); Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang); Mỏ Cày Nam, Châu Thành (Bến Tre) và Kế Sách (Sóc Trăng). Từ đầu mùa khô năm 2024 đến khoảng giữa tháng 5, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn hecta rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô…

Sản xuất thuận thiên

Trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên sự biến động của nguồn nước, trong đó nhiều địa phương đã coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển. Từ đó, hợp tác với các nhà khoa học tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn đa dạng về quy mô, dựa vào đặc điểm tự nhiên, tập quán sản xuất; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh.

Nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn; vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng của các địa phương, người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học sẽ tiếp tục mở ra không gian phát triển mới.

Đây cũng là những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh; mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ; mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Đồng Tháp; mô hình làng tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh An Giang; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải;…

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết, mô hình tôm - lúa là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL. Vào mùa khô, xâm nhập mặn từ biển vào sâu đất liền, các vùng đất ven biển, ven sông trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ.

“Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Thực hiện mô hình, người dân bỏ ra số tiền khá nhỏ cho lúa giống, tôm giống, nhưng có thể đạt doanh thu 250 - 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để đạt được 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm cho mô hình tôm - lúa, cần liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn”, ông Quang nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Các giải pháp thuận thiên nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Kết hợp nhiều giải pháp

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), về lâu dài, cần giảm diện tích lúa chuyển sang nuôi thuỷ sản, trồng rau màu và cây ăn trái; tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn; phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm.

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam, nhận định, ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô, nước vẫn về ĐBSCL (60-70 tỷ m3), trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề ở đây là làm sao giữ nước để sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp là cần trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của hệ thống thủy lợi, trữ nước trong mương vườn, trữ nước trên ruộng...; đồng thời hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất; xây dựng các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM), với cây lúa, cây dừa, ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong nông - lâm - thực phẩm, ĐBSCL có thể cung cấp nguồn nông sản sạch các khu vực đô thị như TP. HCM. Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phụ phẩm ngành, cùng với đó là phát triển kinh tế số blockchain, truy suất nguồn gốc, chuỗi cung ứng, phục hồi rừng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, các nguồn gen và văn hóa bản địa. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon rừng, nông nghiệp cũng là tiềm năng lớn của vùng.

“Vùng ĐBSCL hiện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững. Do đó, ĐBSCL cũng cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các kế hoạch, quy hoạch của cả vùng và của từng địa phương trong vùng ĐBSCL”, ông Quân khuyến nghị.

Trao đổi tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, làm rõ về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bài bản, khoa học, đồng bộ trong thích ứng biến đổi khí hậu. Điển hình là vùng ĐBSCL, chúng ta đã có những đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn, tác động của biến đổi khí hậu, xác định trung tâm chịu ảnh hưởng là nguồn tài nguyên nước.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL, cùng với kế hoạch thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, lập danh mục các dự án quan trọng cần triển khai.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết huy động khoảng 2,5 tỷ USD vốn ODA để thực hiện 16 dự án quan trọng ở ĐBSCL về thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuyển đổi hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng khu vực trung tâm là nước ngọt, nước lợ, khu vực ven biển là nước mặn; ưu tiên hình thành hệ thống cấp nước tập trung, giải quyết tình trạng úng lụt ở thượng nguồn.

Bên cạnh đó, Hội đồng điều phối vùng là cơ chế hết sức quan trọng để các địa phương vùng ĐBSCL lựa chọn những vấn đề ưu tiên nhất, tập trung nguồn lực thực hiện.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top